Trước hết phải đề cập đến tốc độ tăng trưởng kinh tế gần 8% và lạm phát dưới 4% mà nhiều người gọi là “kỳ tích” hay “bậc nhất” trong khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế mạnh đang trải qua đợt suy giảm kinh tế và lạm phát cao trong vòng 40 năm, thì hai chỉ số này của Việt Nam là rất đáng khích lệ. Nó cho thấy sức dẻo dai của nền kinh tế, của doanh nghiệp và người dân sau khi có nhiều vắc xin và chuyển hướng chống dịch khỏi mục tiêu Zero Covid.

Ngân khố quốc gia là nơi tiếp nhận thành quả tăng trưởng kinh tế bậc nhất. Đến giữa tháng 12, thu ngân sách nhà nước đạt gần 1.692 nghìn tỷ đồng, vượt gần 20% so dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu ngân sách xấp xỉ 18% GDP, vượt mục tiêu hơn 15% GDP. Thu ngân sách trung ương vượt hơn 19% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt hơn 20% dự toán.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế gần 8% và lạm phát dưới 4% trong năm 2022. Ảnh: Hoàng Hà

Một kết quả nổi bật khác là tổng kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục mới, đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, cao hơn so với kế hoạch tăng 8%. Kết quả này giúp duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Sẽ còn thêm nhiều chỉ số khác khá tích cực cho thấy nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ và tất nhiên, nếu nhiều chính sách được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn thì có thể, doanh nghiệp và người dân có thể đã được thụ hưởng tốt hơn nhiều, tăng trưởng kinh tế cũng có thể còn hơn nữa.

Tuy vậy, cũng xin cảnh báo một vài điều.

Tốc độ tăng trưởng năm nay cao nhưng trên nền tảng của tăng trưởng rất thấp trong năm 2021. Tăng trưởng trung bình của hai năm 2021-2022 chỉ khoảng 5,2% thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2025. Nếu tốc độ tăng trưởng các năm tới đây không được cải thiện so với tốc độ trung bình hai năm qua, thì trong giai đoạn tới đây sẽ rất khó khăn, và tiếp nối đà suy giảm trong 30 năm qua.

Xin nhắc lại, thời kỳ 2011-2020, tăng trưởng bình quân khoảng 6%; thời kỳ 2000-2010 tăng trưởng trung bình khoảng 6,6%; thời kỳ 1991-2000, tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7,6%. Chẳng lẽ, cứ mỗi sau một thập kỷ sau Đổi mới, tốc độ tăng trưởng lại suy giảm một điểm phần trăm như mặc định?

Đầu tư công, bất chấp những chỉ đạo sát sao, vẫn không về đích khi chỉ giải ngân được 446 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng, bằng 75% kế hoạch năm. Tiền thu thuế, tiền vay nợ trong và nước ngoài lẽ ra phải được tăng tốc giải ngân để biến thành các công trình hạ tầng phục vụ cho phát triển nhưng lại được chi tiêu với tốc độ không như dự kiến, khiến một phần nằm lại trong kho rất lãng phí.

Năm tới đây, tổng vốn đầu tư công được Quốc hội duyệt lên hơn 700.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm nay. Các công trình lớn của đất nước như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, đường vành đai 4 ở vùng Thủ đô, vành đai 3 ở TP.HCM cần được triển khai quyết liệt để đưa vào khởi công, hoàn thành đúng tiến độ, nếu không muốn đội vốn. Lẽ ra, đầu tư công được tăng tốc giải ngân hết trong năm nay sẽ giúp chia lửa rất lớn với nền kinh tế luôn khát vốn, khi chính sách tiền tệ đã hết dư địa.

Nhiều người vẫn trách chính sách tiền tệ đã quá chặt chẽ thay vì “linh hoạt” trong năm 2022, khi lạm phát chỉ dưới 4% và nền kinh tế khát tiền hơn lúc nào hết sau hai năm đông cứng vì phong tỏa chống dịch bệnh. Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu “tìm điểm cân bằng” giữa lạm phát và tăng trưởng. Nới room trong những ngày cuối cùng của năm chỉ giúp ích về tâm lý chứ ít có tác dụng.

Có lẽ, các nhà điều hành sẽ đối đáp, rằng tỷ lệ dư nợ của hệ thống ngân hàng so với GDP là 124% đã ở mức rất cao của thế giới, và cần kiềm chế lại. Vấn đề này đã từng được đặt ra nhiều năm nay nhưng không giải quyết được. Một nền kinh tế dựa vào thâm dụng lao động, gia công xuất khẩu là chính trong khi năng suất lao đông thấp bậc nhất thì làm sao phát triển được nếu thiếu vốn, thiếu tiền?

Đoàn tàu Metro số 1 bắt đầu chạy thử nghiệm ở thành phố Hồ Chí Minh

Đã đành lạm phát là rất đáng cảnh giác, nhưng cảnh giác quá đi thì hệ lụy cũng quá đi. Để xảy ra những vụ như SCB là rất đáng nói vì đã có đủ các quy định an toàn vốn như Basel 2 và có lực lượng thanh tra, giám sát đông đảo. Thanh khoản của nền kinh tế đã trở thành vấn đề đáng quan tâm nhất, và chắc còn kéo dài trong suốt năm sau.

Áp lực và rủi ro gay gắt có lẽ sẽ còn diễn ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản và thị trường lao động.

Nhắc tới các thị trường trên đây để thấy, người dân và doanh nghiệp đang khó khăn đến mức nào. Lẽ ra, thu ngân sách tăng cao thì nên tăng chi, hay miễn giảm thuế để giảm nhẹ khó khăn cho họ và giúp nuôi dưỡng nguồn thu.

Xin nhắc tới thực tế đáng buồn là có tới 12.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường mỗi tháng và xu thế mất việc, hoãn việc đang xảy ra ở các thành phố công nghiệp phía Nam, đặc biệt từ tháng 9 trở về đây. Doanh nghiệp nội suy yếu là cực kỳ đáng quan tâm vì họ dễ bị thôn tính, bị mua bán hay sáp nhập bởi các doanh nghiệp ngoại.

Trong khi đó, khu vực kinh tế FDI đã chiếm tới 74% giá trị xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp, chiếm tới 22% GDP rồi. Khu vực doanh nghiệp có đăng ký chính thức vẫn chỉ chiếm vỏn vẹn 10% GDP và khu vực kinh tế hộ gia đình hơn 30% GDP mà thôi.

Nêu lại một số khó khăn như trên để thấy, nền kinh tế sẽ phải tiếp tục tiến lên bằng các chính sách trọng cung, bằng cách mở rộng thị trường để khơi thông nguồn lực của dân. Tiếp tục thúc đẩy các chính sách trái phiếu doanh nghiệp, hợp tác công - tư, xã hội hóa y tế và giáo dục, cải cách môi trường kinh doanh và nhiều chính sách khác để người dân và doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn ra đầu tư, kinh doanh thay vì khư khư, co lại hay thậm chí sợ hãi mới là cách tiếp cận tốt nhất cho phát triển nhanh và bền vững.

Tôi vẫn tin rằng, những kinh nghiệm và bài học của cả nhà nước và nhân dân qua chống dịch Covid thành công, xoay chuyển hẳn tình thế rất khó khăn với Zero Covid, sẽ giúp ích rất nhiều trong phát triển kinh tế trong năm tới. Có lòng tin và đồng lòng là có tất cả.

Tư Giang

‘Con ngáo ộp’ mang tên lạm phátAi cũng sợ lạm phát. Điều đó hoàn toàn đúng đắn. Nhưng sợ lạm phát đến mức để lâm vào tình trạng để nhiều doanh nghiệp bị mất thanh khoản, đứt gãy sản xuất thì nỗi sợ đó còn nguy hại hơn.