Vướng mắc thủ tục là lớn nhất

Gần đây, không ít ý kiến đã lên tiếng về môi trường kinh doanh tiếp tục lâm vào tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hơn 70% khó khăn của thị trường bất động sản là do vướng mắc về pháp lý, trong khi các quy định dưới luật lại không phù hợp với quy định của luật hoặc xung đột với nhau. “Một số cán bộ công chức có liên quan đến thị trường bất động sản lại thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm, đùn đẩy hồ sơ, không dám ra quyết định, nên dự án bất động sản gặp khó khăn về thủ tục”, ông phản ánh.

Môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển. Ảnh Thiện Chí.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từng kể với chúng tôi, tình trạng công chức không muốn, không dám thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Có những công chức tâm sự với ông: “Em thà chịu bị phê bình làm chậm, chưa hoàn thành nhiệm vụ còn hơn là bị kỷ luật, có thể bị truy cứu hình sự”, “Em làm cũng sai, mà không làm cũng sai”, “Bây giờ em đọc các văn bản pháp luật có liên quan, em thấy các quy định đó như những cái bẫy đối với chúng em, và em sợ”.

Môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, từ đó tạo thêm việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Và tất nhiên là ngược lại.

Quy chuẩn kỹ thuật bị cài cắm thành điều kiện kinh doanh

Xin kể một vài câu chuyện ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh khi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bị cài cắm và thông tư đang nổi lên gần đây.

Dự thảo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với bến xe hàng” của Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến đã đưa ra quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với bến xe hàng. Theo đó, bến xe phải đáp ứng các quy chuẩn như khu vực đỗ xe dành cho phương tiện khác; khu vực làm việc của bộ máy quản lý; bãi hàng hóa; khu vệ sinh; có hệ thống camera giám sát 24/7 và dữ liệu được lưu giữ tối thiểu 1 tháng; phải có hệ thống công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung; phải đảm bảo phòng cháy, nổ theo các yêu cầu tối thiểu; phải có hệ thống chiếu sáng; an toàn vệ sinh thực phẩm. Những quy định này có vẻ đã trùng lắp với nhiều quy định hiện hành về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, chiếu sáng, thoát nước, an toàn thực phẩm… mà các bến xe hàng vốn dĩ phải đáp ứng. Vì thế, sẽ gây ra sự chồng chéo và phức tạp khi thực hiện.

Một số quy định trong Dự thảo giống như điều kiện kinh doanh bắt buộc phải thực hiện. Chẳng hạn như quy định, bến xe hàng phải có hệ thống công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường chỉ quy định, các bến xe hàng có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải thôi, chứ không cần phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Hay quy định phải có hệ thống camera giám sát 24/7 và dữ liệu được lưu giữ tối thiểu 1 tháng. Việc bắt buộc lắp camera và có hệ thống lưu trữ dữ liệu sẽ gây tốn kém, tạo ra chi phí lớn cho các bến xe hàng.

Việc đưa ra các quy chuẩn mà về bản chất như điều kiện kinh doanh như trường hợp trên không phải cá biệt. Vào tháng 7/2022 vừa qua, dư luận đã xôn xao với Dự thảo “Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại” do Bộ Công thương soạn thảo.

Dự thảo này yêu cầu tất cả các siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet đều phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng. Các siêu thị hạng I và II phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; trung tâm thương mại phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng, khu vực dành cho hoạt động tài chính, ngân hàng. Cùng với đó là một loạt những quy định định tính khác như: cần có vị trí thuận lợi cho việc tiếp cận, mua bán hàng hoá; công trình kiến trúc vững chắc, có thiết kế và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại…

Xin trích quan điểm từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): các quy định này đã can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và tạo ra sự không minh bạch, gây rủi ro rất lớn cho người kinh doanh.

Có xu hướng đáng lo ngại, khi nhiều dự thảo văn bản pháp luật đang được soạn thảo theo hướng siết chặt hơn điều kiện kinh doanh. Ảnh Trần Chung.

Lấy lại đà cải cách môi trường kinh doanh

Sau nhiều nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh, giúp môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho người dân và doanh nghiệp, giờ đây xuất hiện trở lại tình trạng "cài cắm" các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào các thông tư, văn bản pháp luật cấp bộ, ngành.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI nhận định, có xu hướng đáng lo ngại, khi nhiều dự thảo văn bản pháp luật đang được soạn thảo theo hướng siết chặt hơn điều kiện kinh doanh. Tư duy cũ, ưu tiên quản lý Nhà nước bằng công cụ “điều kiện kinh doanh” đang tạo ra những rào cản. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn đến cả nền kinh tế.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét rằng, đang có xu hướng các điều kiện kinh doanh bắt đầu quay trở lại và phát triển thêm ra.

Còn ông Nguyễn Đình Cung thì lo ngại, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 và chưa kịp phục hồi thì những khó khăn mới lại diễn ra như chi phí đầu vào tăng cao, đơn hàng giảm, dòng tiền cạn kiệt, vì vậy cải thiện môi trường kinh doanh càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Cải thiện môi trường kinh doanh là yếu tố giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, thậm chí có ý nghĩa nhiều hơn so với các gói hỗ trợ. Nó giúp doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, an toàn, giảm thiểu chi phí.

Ông đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khi ban hành hay sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật mới không được đặt thêm các rào cản, không đi ngược lại những cải cách đã có, gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp. Ngoài ra, lúc này cần tập trung và dành nguồn lực, để hoá giải phần nào sự kháng cự lại xu thế cải cách. “Tôi cho rằng cần rất cảnh giác trước những nỗ lực nhen nhóm nhằm phục hồi các công cụ quản lý đã lỗi thời, những quyền lợi, lợi ích đã từng bị cắt giảm trong quá trình cải cách trước đây”, ông nói.

Kiến nghị của các vị chuyên gia là rất đúng tinh thần của các Nghị quyết. Đó là “tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…”