Phát biểu trước các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 cuối tuần trước, Thủ tướng không dùng từ “thận trọng” khi nói đến qua điểm điều hành chính sách tiền tệ. Thay vào đó, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Chính sách tiền tệ phải chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả”.

Giải thích lý do không dùng từ “thận trọng” vốn luôn được gắn liền với chính sách tiền tệ suốt hơn chục năm nay, Thủ tướng chia sẻ: “Trước đây ta dùng từ thận trọng vì sợ lạm phát, nhưng rõ ràng lạm phát đến tháng 11 chỉ 3%. Chúng ta kiểm soát được lạm phát”.

Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo phải tìm điểm cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát. “Nước ta đang phát triển nên lựa chọn của chúng ta thiên về tăng trưởng, mà có thể “hy sinh” lạm phát một ít”, Thủ tướng bày tỏ.

Liên tục lưu ý tìm điểm cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát, Thủ tướng nhấn mạnh: Chủ trương điều hành của Chính phủ là như thế; còn Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chuyên môn phải tìm điểm cân bằng đó.

“Điểm cân bằng” đã được Thủ tướng đề cập nhiều lần, đặc biệt là dịp cuối năm 2022. Lần gần đây nhất, ngày 6/12 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023, ông yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đảm thanh khoản, ổn định hệ thống ngân hàng một cách an toàn; tìm điểm cân bằng giữa tỉ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

Ngay trước cuộc họp nêu trên, room tín dụng đã được mở rộng khi chỉ còn một vài tuần nữa là hết năm. Vì thế, cái room đó rất khó phát huy tác dụng thực chất và hiệu quả đối với nền kinh tế và doanh nghiệp đã suy kiệt sau thời kỳ dài phong tỏa để chống dịch.

Trong năm nay, mỗi tháng có trung bình hơn 12.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường cho thấy mức độ khó khăn khốc liệt mà doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt.

Theo một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phía Nam về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới. Những số liệu trên cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn đến nhường nào tới đây.

Trên thực tế, trong 11 tháng năm 2022, lạm phát mới chỉ đạt 3,03% và sẽ được kiểm soát theo mục tiêu dưới 4% đề ra đến cuối năm nay. Lạm phát dưới 4%, tăng trưởng GDP ước tính 8%, trong khi lãi suất huy động ở một số ngân hàng lên đến 10% rõ ràng là không thể chấp nhận được.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng dự báo lạm phát bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4-4,5% từ mức dự kiến chỉ khoảng 3,3% năm 2022.

Một nhà kinh tế đã chia sẻ: Lạm phát là thách thức cho năm 2023, nhưng chúng ta chỉ nên thận trọng chứ không đặt quá nặng vấn đề lạm phát. “Nếu đặt nặng quá vấn đề lạm phát thì nền kinh tế sẽ phải trả giá cao hơn”, ông cảnh báo.

Nền kinh tế thiếu tiền như cơ thể thiếu máu. Do đó, để dòng tiền được lưu thông, không nên thắt chặt “hầu bao” quá mức để kiểm soát lạm phát.

Hơn nữa, việc giải tỏa khối tiền đầu tư công lên tới lên tới hàng triệu tỷ đồng cũng sẽ góp phần giảm bớt áp lực cho hệ thống tài chính, phục vụ tăng trưởng, tạo việc làm. Điều này cũng sẽ giải quyết được nghịch lý nơi có tiền không tiêu được, chỗ thiếu tiền trầm trọng.

Chính sách tài khóa cũng vậy. Thu ngân sách nhà nước tính đến 15/12 đạt kỷ lục hơn 1,69 triệu tỷ đồng, vượt gần 20% so với dự toán cả năm. Trong khi thu đầu vào vượt xa kế hoạch, chi ngân sách nhà nước chỉ bằng khoảng 81% dự toán, tương đương 1,45 triệu tỷ đồng.

Khi doanh nghiệp khó khăn thì thu cần giảm đi, chi cần tăng lên để cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi khi tiếp cận tín dụng khó khăn thì mới là cách tốt nhất nuôi dưỡng nguồn thu.

‘Con ngáo ộp’ mang tên lạm phátAi cũng sợ lạm phát. Điều đó hoàn toàn đúng đắn. Nhưng sợ lạm phát đến mức để lâm vào tình trạng để nhiều doanh nghiệp bị mất thanh khoản, đứt gãy sản xuất thì nỗi sợ đó còn nguy hại hơn.