Bơm tiền để cứu doanh nghiệp

Nhìn vào số liệu quý 1, một số người cho rằng bức tranh kinh tế có vẻ khá tươi với lạm phát thấp, tăng trưởng cao, thu ngân sách vượt kế hoạch… Ý kiến của ông?

Đôi khi chúng ta không nên tự mãn bởi những số liệu kinh tế học đẹp đẽ mà lờ đi nền kinh tế thực. Thành tựu kinh tế của quý 1 có gì để tự hào? Chúng ta vui khi tăng thu ngân sách, thể hiện không lo lắng cho tình trạng của doanh nghiệp.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đang trong tấn bi kịch. Giá đầu vào tăng cao không kiểm soát được do giá thế giới tăng cao. Đầu ra thì khó vì thu nhập dân cư có đâu, sức mua rất yếu. Có doanh nghiệp chăn nuôi kể, giá thức ăn chăn nuôi, giá ngô, đậu tương tăng rất cao nhưng giá thịt không tăng nổi, cứ bán ra là lỗ. Họ chắc chắn là lỗ rồi nhưng vẫn phải làm. Mà đó là tình trạng chung của không ít doanh nghiệp.

{keywords}
Ông Trần Đình Thiên: Để nền kinh tế hồng hào trở lại thì nguồn lực phải được lưu thông, tiền phải được quay vòng

Giá đầu ra không lên được, thậm chí có doanh nghiệp phải đổ hàng đi, lượng tồn kho lớn. Thanh khoản là đại vấn đề. Tôi băn khoăn là chúng ta có dám bơm tiền cứu doanh nghiệp Việt hay cứ để họ tự loay hoay trong bế tắc. 

Ông nói bơm tiền là thế nào trong bối cảnh chính sách tiền tệ và cả tài khóa đang khá là tiến thoái lưỡng nan trước tác động của kinh tế thế giới và rủi ro lạm phát?

Nền kinh tế Việt Nam đang trong bối cảnh rất bất thường và khó lường mà cứ khăng khăng duy trì mục tiêu lạm phát dưới 4% là không ổn. Tôi nghĩ chúng ta nên sẵn sàng chấp nhận lạm phát cao hơn, khoảng 7-8%, thì mới dám nới rộng chính sách tiền tệ. Doanh nghiệp và nền kinh tế đang rất yếu thì phải bơm tiền ra như là bơm máu để cứu sống người bệnh vượt qua giai đoạn hiểm nghèo cái đã.

Để nền kinh tế hồng hào trở lại thì nguồn lực phải được lưu thông, tiền phải được quay vòng. Bơm tiền ra mới làm cho nền kinh tế suy kiệt này sống dậy. Nền kinh tế thực phải sống được cái đã, chứ có tiền mà đút túi vì lo lạm phát thì doanh nghiệp và nền kinh tế sao hồi phục được. Hệ số quay vòng vốn giờ chỉ còn nửa so với trước. Thế là đáng báo động rồi.

Gói tài khóa cũng có mấy trăm ngàn tỷ để kích thích kinh tế đấy chứ, thưa ông? 

Gói tài khóa 350 ngàn tỷ thì 60 ngàn tỷ cho y tế, 50 ngàn tỷ cho khởi nghiệp, rồi hỗ trợ máy tính cho học sinh, gia hạn thuế… Tức là gói tài khóa mà doanh ngiệp được hưởng thật có còn mấy đâu! 

Trong khi đó, gói hơn 100 ngàn tỷ cho xây dựng cao tốc lại rất khó giải ngân. Bơm tiền ra làm cao tốc là đúng rồi. Thủ tướng đã cố gắng hết sức để tháo gỡ khó khăn sao cho gói này được triển khai nhanh nhưng đâu có dễ. Thiếu đất để làm nền đường là ví dụ. Bao nhiêu mỏ đã được khai thác tận thu, giờ lấy đâu ra đất để cung cấp cho đường cao tốc? Trong khi đó, giá nguyên vật liệu cũng tăng cao nên rất khó làm. Đầu tư công chậm được giải ngân cũng vì lý do đó.

Khích lệ lòng tự trọng dân tộc

Nhưng rõ ràng tăng trưởng đã khởi sắc sau khi cách chống dịch đã chuyển đổi sang “thích ứng, an toàn” từ Zero Covid?

Tôi nói điều này có vẻ đụng chạm nhưng khen chống dịch bây giờ tốt vì trước đây chống dịch chưa tốt, cứ có ca dương tính là đóng hết cả, làm cho nền kinh tế bật/tắt liên tục, làm cho chúng ta lệch nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới. Thế giới đã tăng trưởng đi lên trong khi chúng ta vẫn loay hoay chống dịch và kinh tế lao dốc.

Còn tăng trưởng trong quý 1 năm nay trên 5% là chuyện thường vì chúng ta đã mở và trên nền tảng tăng trưởng năm ngoái thấp. Mà GDP là số ảo nên đừng tự hào. Tôi lấy ví dụ, chúng ta có 7.000 xe rau quả bị ách tắc ở biên giới, nhiều trong số đó phải đem đổ. Số rau, quả đó vẫn tính vào GDP, nhưng nông dân được gì, nền kinh tế được gì?

{keywords}
Cần tiến tới mở cửa du lịch cho tất cả chứ không chỉ 13 nước

Hôm vừa rồi, tôi gặp một quan chức, ông ấy khoe, giờ Việt Nam áp dụng miễn thị thực, mở cửa du lịch cho 13 nước, visa du lịch 15 ngày. Như vậy là số quốc gia miễn thị thực còn giảm so với trước đại dịch. Tôi thật sự không thể hiểu được tư duy đó. Thái Lan mở cửa cho hơn 100 quốc gia, Việt Nam lẽ ra mở cho tất cả chứ sao lại mở he hé như vậy. Ông ấy khăng khăng, nhỡ mà bùng dịch thì sao?

Cái bi kịch của chúng ta là làm đường lối chính sách theo kiểu “nhỡ mà” nên luôn ngắn hạn, vá víu và không có tầm nhìn, không bao quát. Chính sách như vậy thì bật dậy làm sao được!

Vừa rồi, Chính phủ có đề án hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội 13, phấn đấu năm 2030 là nước công nghiệp hoá. Để đạt mục tiêu đó, Chính phủ phấn đấu mức tăng trưởng hàng năm là 7%. Ông nghĩ sao? 

Tăng trưởng  phải 15% chứ 7% thì nhằm nhò gì. Doanh nghiệp tư nhân sẽ là động lực, họ tự quyết, tự làm. Họ biết làm thế nào để bung ra và Nhà nước không phải lo gì cả. Nhà nước chỉ cần kiến tạo nền tảng thị trường và không duy trì thiên kiến kiểu cũ.

Đây là thời điểm giải phóng doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng đã tổng kết, các doanh nghiệp nhà nước không có dự án nào lớn trong suốt 10 năm qua, thế họ nắm trong tay bao nhiêu nguồn lực để làm gì? Bây giờ là lúc cần khích lệ lòng tự trọng dân tộc để đất nước lớn lên, phát triển mạnh lên về thực chất.

Lan Anh ghi

Mong cỗ xe DNNN lăn bánh nhanh như các thành phần kinh tế khác

Mong cỗ xe DNNN lăn bánh nhanh như các thành phần kinh tế khác

Thời gian qua, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế cũng như thiếu tầm nhìn chiến lược để phát triển, nhất là tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra quốc tế.