Quyết tâm làm trong sạch bộ máy

Đến tận những ngày cuối cùng của năm 2022, công cuộc chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì vẫn tiếp diễn và không dừng lại. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả đã củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tiếp xúc với cử tri Hà Nội hồi tháng 10/2022, Tổng Bí thư nói: “Cuộc chiến đấu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang còn tiếp diễn. Các bác cứ chờ xem. Những vụ trọng tâm, trọng điểm đang làm. Những vụ từ cách đây nhiều năm rất ghê gớm, chi phối, ảnh hưởng tiêu cực tới chế độ, uy tín của Đảng đều sẽ được đưa ra ánh sáng. Ai bao che, ai bỏ trốn rồi cũng sẽ bị xử lý”.

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức Cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 18/11/2022. Ảnh: TTXVN

Trong năm 2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật Đảng với 38 tổ chức Đảng, 166 đảng viên và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 19 tổ chức Đảng, 43 đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ XIII, đã có nhiều cán bộ diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, trong đó có những cán bộ bị kỷ luật nặng như khai trừ Đảng, khởi tố hình sự, truy tố, xét xử... Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã được thành lập tại 63/63 địa phương.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, nhiều thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực đạt được nhiều kết quả quan trọng là nhờ vai trò chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Tổng Bí thư là linh hồn, là chỗ dựa vững chắc cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều áp lực, khó khăn, mọi người nhìn vào Tổng Bí thư để quyết tâm thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ", ông nói.

Tổng Bí thư khẳng định, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm quyết liệt và đồng bộ giữa xây dựng, hoàn thiện thể chế để bịt kín những kẽ hở, lỗ hổng với thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; giữa tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán để phát hiện tham nhũng, tiêu cực với điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự; quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở,...

Những vụ án đã và đang xét xử cho thấy sự hư hỏng đến mức độ không thể chấp nhận và biện minh được của một bộ phận cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, vì còn nhiều khoảng trống trong hệ thống pháp luật, nên cũng tạo nên những tâm tư, e dè của không ít cán bộ, đảng viên trong khu vực công vốn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của đất nước.

Chống tham nhũng là để sửa chữa, thay thế các mắt xích khuyết tật, giúp bộ máy vận hành hiệu quả và hiệu lực hơn, tạo động lực cho phát triển. Khu vực công mà trục trặc, dù ở một vài khâu thôi, có thể đạp thắng lên quá trình phát triển.

Quy định “cán bộ chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” và cơ chế khuyến khích cán bộ, đảng viên phải “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” chưa được ban hành, làm không ít người có năng lực và phẩm chất không phát huy được thế mạnh. Vì vậy, tới đây cần mạnh dạn thực thi cơ chế thử nghiệm sand-box trong quản lý để giúp giải phóng được năng lượng tiềm tàng của nhiều cán bộ, của bộ máy.

Tăng trưởng cao, lạm phát thấp

Với nền kinh tế mở bậc nhất thế giới qua 15 hiệp định FTA thế hệ mới và chịu tác động nhanh, trực tiếp từ các cuộc khủng hoảng bên ngoài, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay lên tới 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai một thập kỷ qua. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt hơn 9,5 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên tới 8,02%. Ảnh: Hoàng Hà

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thập kỷ, lạm phát rất thấp 3,13% dưới ngưỡng Quốc hội thông qua được các tổ chức quốc tế cho là “bậc nhất” trong khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế mạnh đang trải qua đợt suy giảm kinh tế và lạm phát cao trong vòng 40 năm, thì hai chỉ số này của Việt Nam là rất đáng khích lệ. Nó cho thấy sức dẻo dai của nền kinh tế, của doanh nghiệp và người dân sau khi có nhiều vắc xin và chuyển hướng chống dịch khỏi mục tiêu Zero Covid.

Năm 2022 Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu khi tăng 20 bậc, xếp vị trí 48/132 quốc gia, và xếp vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Tuy nhiên, xếp hạng năm 2022 giảm 4 bậc so với năm 2021. Chuyển đổi số quốc gia đang bắt đầu đi vào thực chất, giảm tệ quan liêu, phiều hà và giúp tăng năng suất lao động, tăng cường tính công khai, minh bạch và năng lực giải trình.

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đột phá phát triển nhanh, tác động sâu, rộng, đa chiều trên phạm vi toàn cầu, ngày càng trở thành nhân tố quyết định đến năng lực cạnh tranh mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hoá, xã hội. Việt Nam sẽ không thể đứng ngoài cuộc đua mới này.

Ngân khố quốc gia là nơi tiếp nhận thành quả tăng trưởng kinh tế bậc nhất. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt gần 1.785 nghìn tỷ đồng, bằng 126% dự toán năm và tăng gần 14% so với năm trước. Thu ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều vượt hơn 20% dự toán. Xuất nhập khẩu đạt những kỷ lục mới.

Chỉ tiếc rằng, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn xa so với kế hoạch. Các chương trình phục hồi và hỗ trợ dân sau dịch Covid cũng chưa tiến triển. Nếu giải ngân đầu tư công tốt hơn và hiệu quả hơn, thì vốn ngân sách nhà nước mà thực chất là tiền thuế của dân, tiền vay nợ trong và ngoài nước sẽ được biến thành các công trình cơ sở hạ tầng, đường xá, bệnh viện trường học phục vụ, cải thiện đời sống của người dân.

Khơi thông nguồn lực của dân

Để đạt được những thành công trong năm 2022 cần nhấn mạnh đến vai trò của người dân và doanh nghiệp như là một trong những động lực chính, bên cạnh vai trò của Nhà nước.

Năm 2022 đã khép lại, sau những năm dịch bệnh 2020, 2021 đầy khó khăn mà loài người chưa từng chứng kiến. 

Khu vực ngoài quốc doanh đóng góp tới hơn 40% GDP là một minh chứng rất thuyết phục. Trong năm 2022, khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đã chiếm tỷ trọng lên đến gần 55-60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí... Mặc dù vậy, doanh nghiệp và người dân vẫn đang gặp khó khăn, sức mua mới chỉ hồi phục bằng hơn 80% so với năm trước dịch. Mỗi tháng vẫn có tới hơn 12.000 doanh nghiệp đóng cửa.

Những thị trường là nhiệt kế đo lường sức khỏe của doanh nghiệp và người dân đang ở tình trạng đáng báo động. Thị trường chứng khoán suy giảm mạnh; thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị dứt gãy; thị trường bất động sản bị đóng băng; thị trường lao động đang có nguy cơ hao hụt. 

Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua, cho thấy niềm tin vững chắc của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Trong cơ cấu kinh tế hiện nay, khu vực FDI đóng góp tới hơn 20% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Dựa vào chỉ số giá trị gia tăng, doanh thu và việc làm cho thấy, các doanh nghiệp FDI chi phối 12/24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng vai trò chi phối ở 4/5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực FDI còn khiêm tốn; tốc độ tăng về số nộp ngân sách thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận; tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước có xu hướng giảm.

Những con số trên cho thấy, các doanh nghiệp FDI đang đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Sự hiện diện như vậy tất nhiên có nhiều điểm lợi vì họ mang đến vốn, kỹ năng quản trị, công nghệ. Tuy nhiên, sự lấn át đó cũng rất đáng quan tâm nếu Việt Nam muốn nền kinh tế “độc lập, tự chủ”, thách thức mong muốn các doanh nghiệp dân tộc phải trở thành trụ đỡ chính và khơi dậy các nguy cơ bị thao túng.

Vì thế, ở đâu cũng vậy, doanh nghiệp cần được coi trọng vì họ chính là tài sản của quốc gia, họ tạo công ăn việc làm, đóng thuế, thực hiện an sinh xã hội... Doanh nghiệp có sai phạm cũng nên được tạo cơ hội để “lập công, chuộc tội”, tránh được tác động ngược mang tên lòng tin.

Năm 2022 đã khép lại, sau những năm dịch bệnh 2020, 2021 đầy khó khăn mà loài người chưa từng chứng kiến. Nhưng rõ ràng, cách thức Nhà nước và người dân cùng chia sẻ lòng tin, sự đồng lòng và quyết tâm để thoát ra khỏi tình thế dịch bệnh ngặt nghèo để mở cửa trở lại là rất đáng tham khảo trong xây dựng và phát triển kinh tế, không chỉ cho năm tới 2023.

VietNamNet

Một năm hậu Covid không thể quênCuối tuần này, các chỉ tiêu kinh tế xã hội sẽ được ngành thống kê công bố chính thức, và chắc chắn sẽ mang đượm gam màu hồng tươi vì một lý do đơn giản, năm hậu Covid 2022 phải khởi sắc hơn so với năm phong tỏa 2021.