Không để xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng mở rộng

WHO và UNICEF mới đây đã lên một hồi chuông cảnh tỉnh khẩn cấp khi dữ liệu mới cho thấy tỷ lệ bao phủ vắc-xin toàn cầu tiếp tục giảm vào năm 2021, với 25 triệu trẻ sơ sinh bỏ lỡ những liều vắc-xin trong tình hình Covid-19 diễn ra phức tạp.

Thông qua dữ liệu chính thức do WHO và UNICEF công bố ngày 19/7/2022, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em tiếp tục có mức sụt giảm cao nhất trong khoảng 30 năm qua.

Trong đó, tỷ lệ trẻ em được tiêm đủ ba liều vắc-xin: phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3) đã giảm 5 điểm phần trăm từ năm 2019 đến năm 2021, xuống còn 81%.

Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, năm 2021 là năm Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn vất vả đối với công tác tiêm chủng mở rộng.

Đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiêm chủng trên toàn quốc; phải duy trì công tác tiêm chủng mở rộng trong bối cảnh dịch COVID-19, có thời điểm nhiều địa phương phải tạm dừng công tác tiêm chủng thường xuyên do giãn cách xã hội, nhiều hoạt động tiêm chủng bổ sung đã không thể triển khai theo kế hoạch, nhân lực y tế nhân lực tiêm chủng phải ưu tiên cho hoạt động chống dịch và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Đầu năm nay, ngay khi WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam có thư đề nghị tăng cường các hoạt động tiêm bù mũi vắc xin bại liệt cho trẻ chưa được tiêm chủng, hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi năm 2021 và 2022 nhằm tạo miễn dịch đầy đủ trước nguy cơ cao dịch bệnh xâm nhập, Việt Nam đã tiến hành rà soát và đề xuất đối tượng, nhu cầu vắc xin IPV để triển khai tiêm bổ sung nhằm duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt tại Việt Nam phù hợp với chiến lược của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương.

Để sử dụng hiệu quả số vắc xin IPV do GAVI viện trợ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đề nghị các tỉnh/thành phố tổ chức tiêm vắc xin IPV cho trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin có thành phần bại liệt. 

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng mở rộng chưa đạt kế hoạch như mong muốn, song Việt Nam vẫn duy trì được các thành quả, không để xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng mở rộng.

Chủ động thúc đẩy các Công ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam ký kết và tham gia

Có được kết quả này là nhờ Việt Nam đã vượt khó, chủ động, tích cực thúc đẩy quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân.

Quyền con người được chăm sóc sức khỏe được nêu trong Điều 25 Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người (UDHR, 1948) “mọi người có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để bảo đảm sức khỏe và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết...” sau đó quyền này  được cụ thể hóa trong nhiều Công ước quốc tế và Tuyên bố khác.

Quyền chăm sóc sức khỏe là một quyền con người quan trọng, là cơ sở để thực hiện nhiều quyền con người khác và việc thực hiện nó cũng gắn liền với các quyền con người khác như quyền sống, quyền về lương thực, nhà ở, việc làm, giáo dục, bảo vệ đời tư, tiếp cận thông tin... Nghĩa vụ quốc gia trong việc bảo đảm các quyền con người mà cụ thể là quyền được chăm sóc sức khỏe đã được cộng đồng quốc tế khẳng định trong một số văn bản pháp lý quan trọng.

Quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân được ghi nhận trong các Công ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam ký kết và tham gia; đồng thời, được ghi nhận trong Hiến pháp và nhiều đạo luật như: Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật Khám chữa bệnh năm 2009, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung năm 2014, Luật Dược năm 2016...

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm việc thực hiện quyền chăm sóc sức khỏe của toàn dân. 

Tại Việt Nam, hiện nay mạng lưới y tế cơ sở được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc với 947 cơ sở y tế tuyến huyện (bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh), 11.100 trạm y tế xã. Đã có khoảng 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 99,7% xã có cơ sở trạm, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngay tại cơ sở. 

Đơn cử, trong đại dịch Covid-19, các trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường, thị trấn đã làm tốt công tác hỗ trợ thu dung, chỉ đạo tổ Covid cộng đồng, truy vết F0, F1, F2, nắm chắc địa bàn, quản lý biến động dân cư để phát hiện sớm và kịp thời cách ly những trường hợp mắc bệnh để không lây lan rộng trong cộng đồng.

Công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Số lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tăng đều qua các năm. Nhiều bệnh viện tuyến trung ương thực hiện được các kỹ thuật ngang tầm khu vực và thế giới. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã từng bước và làm chủ được các kỹ thuật cao, giúp cho việc điều trị một số ca bệnh khó không phải chuyển tuyến.  

Công tác y tế dự phòng đã có những bước chuyển biến rõ nét. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, công tác phòng chống các loại bệnh tật được triển khai hiệu quả. Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, các trung tâm y tế dự phòng được sắp xếp lại.

Đơn cử, trong 2 năm bị đại dịch Covid vừa qua, lĩnh vực y tế dự phòng đã ghi dấu ấn rõ nét trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân đồng thời thực hiện thắng lợi mục tiêu kép của Đảng và Chính phủ đề ra. 

Thực hiện chủ trương đổi mới tài chính y tế trong ngành y tế đã có những chuyển biến rõ nét. Việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế để các bệnh viện vừa có nguồn tài chính để đầu tư, vừa góp phần tăng thêm thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế.

Công tác xã hội hóa y tế không chỉ tập trung vào các bệnh viện mà còn dịch chuyển sang lĩnh vực dự phòng. Mô hình hợp tác công - tư được mở rộng. Y tế tư nhân phát triển mạnh, từ 102 bệnh viện (năm 2010) lên 231 bệnh viện năm 2019 (chiếm 19,3% tổng số bệnh viện cả nước), góp phần đáng kể vào việc cung cấp các dịch vụ y tế.

Nỗ lực nâng cao sức khỏe người dân không chỉ được thể hiện ở các con số mà còn thể hiện ở niềm tin của người dân vào Đảng, vào chính quyền, vào hệ thống y tế; cũng như sẵn sàng sát cánh cùng hệ thống chính trị trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Đảng và Nhà nước ta luôn thấu hiểu rằng, bên cạnh việc giữ vững, phát huy những thành tựu đã đạt được còn rất nhiều việc phải làm để bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân được thực hiện toàn diện, triệt để hơn. Chẳng hạn như cần nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thể chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe và các quyền liên quan. Ngoài ra cần chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về quyền được chăm sóc sức khỏe, từ đó, có những đề xuất, kiến nghị phù hợp khả năng đáp ứng về y tế.

Hải Yến