
Mệnh lệnh cho khát vọng cháy bỏng
Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội XIV của Đảng được công bố tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hôm qua (16/4) cho thấy bức tranh như sau trong giai đoạn 5 năm tới: tốc độ tăng trưởng từ 10%/năm trở lên; GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 8.500 USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,5%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 40% GDP.
Để thực hiện các mục tiêu đó, cần minh định các vấn đề phát triển cốt lõi như: “xác lập mô hình tăng trưởng mới”; “xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới”; “đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”; phát triển kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm nói: “Tôi nhấn mạnh thêm: Đây là những vấn đề rất lớn, rất chiến lược. Sắp tới, Trung ương sẽ bàn nhiều về mô hình tăng trưởng mới ở Việt Nam như thế nào? Thế giới họ đi quá xa, họ đã có những nhà máy, bến cảng ‘không đèn’ hoạt động bằng robot, trí tuệ nhân tạo, tự động hoàn toàn, không còn người trực tiếp, làm việc suốt ngày đêm, không giải lao, không ca kíp, không ngừng nghỉ… Chỉ tính riêng về thời gian thì năng suất đã tăng gấp 3 - 4 lần.”
“Nếu ta không thay đổi thì khó có thể bắt kịp, nguy cơ tụt hậu là thấy rõ,” ông nói và bổ sung vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn tới như thế nào để có được nguồn nhân lực đủ bản lĩnh, trí tuệ, sức khoẻ, tầm nhìn cho đất nước phát triển giai đoạn tới. “Nếu không lo ngay từ bây giờ thì khó có thể đạt được,” Tổng Bí thư nói.
Những chỉ số phát triển kinh tế rất cao như trên đây, theo Tổng Bí thư Tô Lâm giải thích, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới trong phát triển đất nước, quyết tâm thực hiện hai mục tiêu 100 năm: đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Không còn nghi ngờ gì nữa, con đường phát triển vươn tới thịnh vượng của đất nước và dân tộc là mệnh lệnh. Nguy cơ “tụt hậu” được xác định từ nhiệm kỳ Đại hội VII năm 1992 và đeo đẳng mãi đến hôm nay phải được đưa về lịch sử phía sau để đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Con đường không dễ cho nhiều quốc gia
Trở thành quốc gia có thu nhập cao là ước mơ, là khát vọng của Việt Nam chúng ta và của tất cả các quốc gia đang phát triển trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, chỉ có một số rất ít nền kinh tế đã chuyển đổi thành công từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao trong mấy thập kỷ qua. Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2012 có tên là "Avoiding the Middle-Income Trap", trong hơn 100 quốc gia được xem là có thu nhập trung bình vào thập niên 1960, chỉ có khoảng 13 nền kinh tế đã thực sự vươn lên nhóm thu nhập cao tính đến thập niên 2000–2010.
Cũng trong giai đoạn đó, chỉ có 2 đến 3 nền kinh tế được coi là đã thực sự chuyển từ thu nhập thấp trực tiếp lên thu nhập cao mà không trải qua một giai đoạn dài ở mức thu nhập trung bình.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du trích dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho biết thêm: Từ năm 1990 đến nay, chỉ có 34 quốc gia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; hiện có 108 quốc gia đang ở mức thu nhập trung bình.
Như vậy, các nguồn khác nhau cho thấy chỉ có vài chục quốc gia và nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình để tiến lên mức thu nhập cao trong vòng 80 năm qua.
Việt Nam là ngôi sao kinh tế toàn cầu
Việt Nam đã trở thành “ngôi sao kinh tế toàn cầu” trong 30 năm qua và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới.
Ngân hàng Thế giới ghi nhận, từ năm 1990 đến năm 2022, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng trung bình hàng năm là 5,4% - nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc và Myanmar.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chưa bao giờ vượt lên hai con số và kéo dài trong vài năm kể từ Đổi mới đến nay.

Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng giảm dần, từ mức tăng bình quân 7,56% trong giai đoạn 1991-2000 xuống còn trung bình 7,26% trong giai đoạn 2001-2010 và 5,95% trong giai đoạn 2011-2020. Trong giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng kinh tế trung bình ước tính cũng chỉ tương đương giai đoạn trước
Việc đạt được mục tiêu của Việt Nam là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi phải đẩy mạnh tăng trưởng năng suất. Báo cáo sắp tới của Ngân hàng Thế giới "Việt Nam 2045: Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi" cho thấy, để đạt được mức thu nhập cao sẽ đòi hỏi tăng trưởng năng suất lao động ở mức 6,3% mỗi năm - cao hơn đáng kể so với mức trung bình 5,0% trong thập kỷ qua.
Việt Nam cần chuyển từ ngành sản xuất sử dụng kỹ năng thấp, lao động nhiều, giá trị gia tăng trong nước hạn chế, sang ngành sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, sử dụng công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo cao hơn. Khu vực tư nhân trong nước sẽ cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng năng suất để đạt được mục tiêu thu nhập cao đầy tham vọng.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân trong nước là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Việt Nam cũng có rất ít công ty khởi nghiệp dựa trên tri thức hoặc đổi mới sáng tạo có khả năng vượt qua các công ty hiện tại và chuyển đổi các ngành công nghiệp. Năng suất của khu vực tư nhân trong nước chỉ bằng khoảng 1/5 mức năng suất của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao là “tham vọng” nhưng “có thể đạt được”
Ngân hàng Thế giới đánh giá mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam là mục tiêu “rất tham vọng”. Để đạt được điều này, yêu cầu đặt ra phải tăng hơn gấp ba lần thu nhập bình quân đầu người hiện nay của Việt Nam trong vòng 20 năm tới.
Điều đó có nghĩa cần duy trì bền vững tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người ở mức khoảng 6% mỗi năm, và tăng trưởng năng suất lao động thậm chí còn cao hơn nữa - ở mức 6,3% trong bối cảnh dân số trong độ tuổi lao động dự kiến sẽ giảm tương đối.
Điều này cũng đòi hỏi tốc độ tăng trưởng trong tương lai còn phải cao hơn cả tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng mà Việt Nam đã đạt được kể từ thập niên 1990. Nếu không đẩy mạnh tăng trưởng đầu tư và năng suất, mục tiêu này có thể sẽ nằm ngoài tầm với.
Ngân hàng Thế giới tính toán rằng, theo kịch bản hiện hành, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam dự báo sẽ giảm xuống mức bình quân hàng năm là 5% trong hai thập kỷ tới, chủ yếu do tăng trưởng nguồn cung lao động suy giảm. Kết quả là, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ không đạt ngưỡng của một quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Để đạt được mục tiêu này, yêu cầu đặt ra phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, dựa trên nền tảng nâng cao năng suất và tăng đầu tư hiệu quả.
Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng năng suất bình quân của Việt Nam chỉ đạt 0,9% - thấp hơn so với hầu hết các quốc gia đối sánh - trong khi tỷ lệ tổng đầu tư (gồm cả khu vực tư nhân và nhà nước) so với GDP đạt mức 32%. Tỷ lệ này cao hơn Thái Lan và Malaysia, nhưng vẫn thấp hơn Trung Quốc (43% GDP).
Nếu Việt Nam chỉ dựa vào tăng năng suất, quốc gia cần duy trì tốc độ tăng trưởng năng suất hàng năm ở mức cao hơn nhiều so với mức 2% đến năm 2030 để đạt được mục tiêu thu nhập cao - tương tự lộ trình của Hàn Quốc và Singapore vào thời điểm các quốc gia đó đạt mức thu nhập bình quân đầu người như Việt Nam hiện nay.
Mặt khác, nếu chỉ dựa vào đầu tư, yêu cầu đặt ra phải duy trì một tỷ lệ đầu tư thiếu bền vững ở mức 49% GDP, thậm chí còn cao hơn mức đầu tư vốn được xem là ngoại lệ cao của Trung Quốc.
Ngân hàng Thế giới cho rằng, lộ trình khả thi để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 là phải kết hợp giữa tăng trưởng năng suất hàng năm ở mức 1,8% và tỷ lệ đầu tư đạt khoảng 36% GDP đến năm 2030.
“Đó là mục tiêu tuy tham vọng nhưng có thể đạt được,” định chế này đánh giá.
Những đánh giá này của Ngân hàng Thế giới được đưa ra trước đây, trước khi cuộc chiến thuế quan bắt đầu cách đây hơn một tuần - một sự kiện được dự báo sẽ làm thay đổi sâu sắc môi trường quốc tế trong thời gian dài tới.
Chúng ta cần tính đến yếu tố quan trọng hàng đầu này trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng, bên cạnh việc phải đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Chặng đường 5 năm tới sẽ đầy thách thức nhưng cũng nhiều hoài bão để cả đất nước bước vào và vươn lên.


Khoán tăng trưởng và thước đo năng lực điều hành
