
Một tầng lớp doanh gia bên lề
Nhà nghiên cứu kinh tế Hải Lộc cuối cùng cũng có thể nở một nụ cười. Rốt cuộc, khu vực kinh tế hộ gia đình cũng được đưa vào Nghị quyết 68, điều mà ông hy vọng sẽ giúp họ phát triển tốt hơn.
“Sau gần 40 năm Đổi mới, đến bây giờ một nghị quyết của Đảng mới nhắc lại vai trò của kinh tế hộ gia đình. Đó là một bước tiến”, ông nói.
Hộ kinh doanh - khu vực kinh tế nhỏ lẻ, không được đưa vào bất kỳ luật nào - đã được nhắc tới 10 lần trong Nghị quyết 68. Đây là một điểm khác biệt lớn của nghị quyết này.
Nghị quyết 68 đã đưa ra chủ trương “hỗ trợ thực chất, hiệu quả” doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh, trong đó đáng kể là “hoàn thiện khung khổ pháp lý”, “cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó là thúc đẩy khả năng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, ưu tiên chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh là thanh niên, phụ nữ, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Nói một cách thẳng thắn, lâu nay khu vực hộ kinh doanh bị lờ đi, ít khi được hưởng một ưu đãi nào của Nhà nước.
Theo nhà kinh tế Lê Duy Bình, công ty Economica, cả nước hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó chỉ có 1,7 triệu hộ đã đăng ký, có mã số thuế, trong khi phần lớn còn lại (3,3 triệu hộ) vẫn chưa đăng ký.
Khu vực này đang tạo ra gần 8,5 triệu việc làm, chiếm 37% tổng số lao động trong khu vực doanh nghiệp, cao hơn so với doanh nghiệp ngoài nhà nước (37%), doanh nghiệp FDI (22%) và vượt xa so với doanh nghiệp nhà nước (4,3%).
Cứ khoảng 20 người Việt Nam thì có một người khởi nghiệp và kiếm sống bằng hình thức hộ kinh doanh. “Điều này cho thấy mô hình hộ kinh doanh phổ biến đến mức nào đối với người dân Việt Nam. Họ là tấm lưới an sinh cuối cùng cho dân”, ông nói.
Theo Niên giám Thống kê 2020, kinh tế cá thể chiếm tới gần 30% GDP mỗi năm trong suốt giai đoạn từ năm 2015–2020.
Tuy nhiên, chính tình trạng thực tế trên cũng cho thấy một bộ mặt khác: Nền kinh tế Việt Nam về cơ bản vẫn còn rất manh mún, nhỏ lẻ, mong manh. Hàng triệu bà bán rong, ông hàng phở, cô chủ tiệm tạp hóa và các nông dân nuôi cá, trồng rau... vẫn là trụ cột chính của nền kinh tế này.
Vùng xám lịch sử
Cho dù mở ra một cột mốc mới về tư duy phát triển, đặc biệt là xây dựng pháp luật cho khu vực kinh tế tư nhân trở thành “động lực quan trọng nhất”, Nghị quyết 68 cũng đặt ra thực tế rất thẳng thắn: Kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước.
Đâu là vùng xám giữa thực tiễn và tầm nhìn nêu trên?
Câu trả lời chắc chắn phải căn cứ vào các dữ liệu khoa học.
Vẫn theo Niên giám Thống kê 2020, kinh tế tư nhân hay doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức chỉ chiếm tỷ trọng trong GDP lần lượt là 8,64%, 9,10%, 9,68% và 9,65% trong các năm tương ứng 2017, 2018, 2019, 2020.
Các số liệu này cũng trùng hợp với một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2023 tổng kết Nghị quyết 10 năm 2017 và của Ban Kinh tế Trung ương, mà nay là Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương.
Khu vực doanh nghiệp tư nhân với tỷ trọng chưa đến 10% GDP trong suốt nhiều năm chứng tỏ họ không lớn lên được sau gần 40 năm Đổi mới.
Bắt đầu từ Niên giám Thống kê 2021, kinh tế tư nhân biến mất. Thay vào đó, khu vực kinh tế này được gộp với khu vực kinh tế hộ gia đình (nông nghiệp và phi nông nghiệp) và khu vực kinh tế tập thể thành tên gọi mới là khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Chẳng hạn, theo Niên giám Thống kê 2023 (Niên giám cập nhật nhất), khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng góp khoảng (làm tròn số) 50% GDP, 56% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo hơn 82% công ăn việc làm xã hội.
Do tính gộp như vậy, nên thực sự không biết khu vực doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng chính xác là bao nhiêu trong GDP.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói: “Số liệu thống kê về khu vực này vẫn chưa rõ ràng, vẫn gọi là khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Họ chưa được gọi đúng là khu vực kinh tế tư nhân trong thống kê”.
“Điều đó cho thấy, chưa có sự thống nhất trong tư duy khi nói đến khu vực kinh tế tư nhân”.
Còn tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, sau mấy bài viết dài về khu vực kinh tế tư nhân từ dữ liệu thống kê, đã thốt lên: “Tôi tin là không ai biết chính xác mức đóng góp thực tế của khu vực tư nhân cho GDP của Việt Nam”.
Theo Nghị quyết 68, khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động.
Gần đây, nhà nghiên cứu kinh tế Hải Lộc cho chúng tôi biết, khu vực kinh tế tư nhân – tức là các doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức đóng góp khoảng 28% GDP. Đây là số liệu ông có được từ những nguồn có thẩm quyền từ cơ quan thống kê.
Đây là phát hiện rất quan trọng, chấn động vì khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP của đất nước, vượt xa tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước (khoảng 21% GDP), khu vực kinh tế FDI (hơn 20%), kinh tế cá thể (21%), kinh tế tập thể (1%).
Vùng xám này cần phải được ngành Thống kê làm rõ cho sự phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Tầm nhìn trăm năm
Bất luận như thế nào, Nghị quyết 68 đã đưa ra một tầm nhìn mới: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững...”.
Nghị quyết yêu cầu mạnh mẽ: “Xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước”.
Đây là một bước phát triển vượt bậc về mặt nhận thức và tư duy.
Xin điểm qua một vài quan điểm về khu vực kinh tế này gần đây.
Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 ghi: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Nghị quyết 09-NQ/TW viết: Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ “lực lượng có vai trò quan trọng”, đến “một động lực quan trọng” rồi đến nay là “một động lực quan trọng nhất”, rõ ràng khu vực kinh tế tư nhân đã được nhìn nhận khác biệt hẳn.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định rất rõ trong bài viết về kinh tế tư nhân: “Nhà nước phải có phương thức quản lý phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân; xóa bỏ mọi rào cản, minh bạch hóa chính sách, loại bỏ lợi ích nhóm trong hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực, không phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong mọi chính sách. Đồng thời, nhất quán quan điểm "mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm", xây dựng chính sách làm yên lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và doanh nhân, cần tạo dựng niềm tin mạnh mẽ hơn giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân, qua đó khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo và tham gia vào các lĩnh vực kinh tế có tính chiến lược.
Đồng thanh tương khí
Cũng như ông Hải Lộc, hàng loạt các nhà kinh tế uy tín đều nhìn nhận rất tích cực về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đình Cung nói: “Mấy chục năm làm về môi trường kinh doanh, đặc biệt là về kinh tế tư nhân, tôi cảm nhận rõ cuộc cải cách chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ. Tổng Bí thư đã mở ra đầy đủ cơ hội, không gian – giờ là lúc cần thực thi trong văn bản, luật lệ... Tôi rất hào hứng với nghị quyết mới về kinh tế tư nhân”.
“Hệ thống chắc chắn sẽ thay đổi theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, đó là xóa bỏ tư duy ‘không quản được thì cấm’. Đây cũng là điều chúng tôi đang kỳ vọng ở nghị quyết mới về phát triển kinh tế tư nhân”, ông nói thêm.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên bổ sung: “Nghị quyết 68 sẽ giúp tháo bỏ hết ‘vòng kim cô’ trói buộc, thiết lập thể chế mới để doanh nghiệp phát triển được. Vì trong cơ chế xin – cho như hiện nay, họ không phát huy được năng lực”.
Ông nói rằng, sau Đại hội VI năm 1986 với các chủ trương cho người lao động được tự tạo việc làm, đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh... khu vực tư nhân đã bùng nổ. Chính khu vực này đã góp phần hồi sinh nền kinh tế vốn đang khủng hoảng, thiếu ăn, thiếu mặc.
Ông nói: “Thời điểm hiện tại có nhiều điểm tương đồng với năm 1986… Tôi cho rằng, chưa bao giờ thời cơ lại thuận lợi như hiện nay để đất nước và nền kinh tế hiện thực hóa khát vọng phát triển, vươn lên trở thành quốc gia phát triển”.




