Đứng ở góc độ hội nhập, khi thế giới đã bắt đầu năm mới khoảng một tháng rồi thì Việt Nam lại nghỉ. Thế nhưng không chỉ có Việt Nam, mà còn cả Trung Quốc và Hàn Quốc. Ba nền kinh tế ăn Tết âm lịch với nhiều ngày nghỉ nhất này có GDP bằng hơn 20 nghìn tỷ đô la, tức là hơn 1/5 GDP toàn cầu.

Năm 2021, Trung Quốc xuất khẩu 3.549 tỷ đô la, Hàn Quốc 645 tỷ đô la, còn Việt Nam 336 tỷ đô la. Nếu có sự liên thông đồng bộ với các nền kinh tế không theo tết cổ truyền như Việt Nam thì Trung Quốc và Hàn Quốc liên quan nhiều hơn.

Tỉ trọng giá trị xuất khẩu tính trên GDP của Việt Nam rất cao, thế nhưng hàng hoá xuất khẩu chỉ đóng góp chừng 15% GDP. Ảnh hưởng do nghỉ Tết đối với khách hàng nước ngoài nhưng với những nền kinh tế có quy mô lớn hơn còn có cách giải quyết thì Việt Nam cũng làm được. Hàng hoá có thể tăng tồn kho trước đó để cung cấp dịp Tết hoặc nếu cần vẫn có thể huy động lao động làm việc.

Người dân mua sắm tết ở chợ hoa Hàng Lược, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Tác động thực sự của Tết ở Việt Nam có thể nói không kém bất cứ dịp kích cầu, khuyến mãi nào sôi động nhất trên thế giới. Tết người ta sẵn sàng bỏ tiền ra mua sắm những món đồ mà thời gian trong năm còn đắn đo. Người ta tiêu tiền tối đa dịp Tết và lại tạo ra động lực mới để kiếm tiền sau Tết. Có vẻ như thời gian cuối tháng 1, đầu tháng 2 lại là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp quyết định được các món tiền trả cho người lao động chi tiêu.

Ở góc độ hiệu quả tiêu dùng, có thể có những ý kiến cho rằng tiêu tiền dịp Tết là quá lãng phí. Nhưng đứng trên quan điểm GDP, muốn có GDP tăng trưởng dân tiêu hoặc chính phủ tiêu, quốc gia dự trữ được nhiều ngoại tệ hơn.

Mặt khác, chỉ khi dân chi tiêu nhiều, động lực thúc đẩy kinh tế mới có tính tự nguyện cao nhất. Bất cứ một nhu cầu tiêu dùng nào đó trừ phi bị cưỡng bức cấm đoán còn không đều có cơ hội được thoả mãn và là một phần của nền kinh tế.

Tóm lại, ở góc độ kinh tế thì Tết là một dịp kích cầu vô cùng ngoạn mục. Điều khiến nhiều người mệt mỏi do cường độ bận rộn quá mức trong những ngày giáp Tết. Nhưng có vẻ cuộc sống hiện đại, cơ động nhanh, bây giờ con người không thể nào sống chậm lại như những ngày trước được nữa.

Trả lời câu hỏi bây giờ đã chán Tết chưa thật khó trả lời. Vì điều đó chẳng khác gì tranh luận chuyện quả trứng có trước hay con gà có trước. Trừ khi ép buộc thay đổi Tết còn không cứ đợi hoặc con gà không đẻ nữa hoặc con gà đã tìm cách khác để sinh ra.

Ngô Văn Tuyển