Kết thúc năm hậu Covid 2022 đầy khó khăn, ngành thuế đã đạt được thành tích “xuất sắc và toàn diện” khi thu ngân sách nhà nước đạt gần 1.692 nghìn tỷ đồng, vượt gần 20% so dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội.

Trong thành tích đó, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều bội thu, vượt 20% dự toán.

Thu ngân sách vượt kế hoạch là điều không lạ trong nhiều năm nay. Có thu thì mới có chi cho các bộ máy, đảm bảo an sinh xã hội, chi trả nợ và đặc biệt là chi cho đầu tư phát triển của đất nước. Tỷ trọng thu nội địa ngày càng cao, lên 85%, cho thấy nội lực của nền kinh tế ngày càng vững chắc.

Mặc dù vậy, thông tin tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước năm nay lên đến 18% GDP, vượt mục tiêu 15,2% GDP, cũng đặt ra nhiều điều suy nghĩ, nhất là khi doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn suốt ba năm qua, cả trong và sau đại dịch.

Giảm thuế VAT 2% kích thích được tiêu dùng và sản xuất

Đã đành, chính sách tài khóa đã được phát huy với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2022, “lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính” để giúp dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong số đó, có tới 135 nghìn tỷ đồng “được gia hạn”, hay nói đúng hơn, doanh nghiệp và người dân vẫn phải đóng khi đến hạn.

Trên thực tế, chỉ có 98,5 nghìn tỷ đồng được miễn, giảm thực chất, là “tiền tươi, thóc thật” mà người dân và doanh nghiệp được trực tiếp “thụ hưởng”. 

Đáng kể nhất là chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng được miễn giảm để thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng. Có thể nói, đây là gói gỗ trợ nhanh, trực tiếp và hiệu quả nhất trong toàn bộ các gói hỗ trợ của Nhà nước cho người dân và doanh nghiệp đến nay.

Các nhà hoạch định chính sách từng lo lắng, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% làm cho nguồn thu thuế vào ngân sách nhà nước giảm trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, kết quả thu ngân sách như nêu trên là minh chứng rõ ràng cho thấy tác động tích cực của việc giảm thuế giá trị gia tăng. Toàn bộ xã hội đã được hưởng lợi từ chính sách thiết thực này. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và cả Nhà nước đều thu được những lợi ích to lớn.

Giảm 2% thuế VAT được đánh giá là có tác động sâu rộng nhất trong số các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã thực hiện đến nay. Chính sách này như một khoản hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân trong thời kì khó khăn nhưng được thể hiện trong giá cả hàng hóa góp phần làm giảm lạm phát, kích thích tiêu dùng, kích thích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Giảm VAT khiến giá đầu vào giảm cũng giúp doanh nghiệp có cơ hội duy trì, phục hồi và mở rộng hoạt động kinh doanh. Giảm thuế này không cần qua các khâu xét duyệt hồ sơ phức tạp, hay các điều kiện ngặt nghèo, mức giảm được áp dụng chung cho phần lớn hàng hóa khiến đa số doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi ngay lập tức. Sau gần một năm thực hiện, không có doanh nghiệp hay người dân phải phản ánh mặt trái của chính sách này vì có lẽ đây là công cụ để đo tác dụng của chính sách khá hiệu quả.

Nói gắn gọn, giảm thuế giá trị gia tăng có tác động rất tích cực đến tiêu dùng và sản xuất trong dài hạn. Sự hỗ trợ này tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất và mở rộng kinh doanh. Điều này cũng sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần hạ tỷ lệ thất nghiệp, khôi phục nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Từ đó, kích cầu tiêu dùng, kích thích người dân mua sắm, chi tiêu nhiều hơn. Khi sức tiêu thụ hàng hóa tăng lên, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được đẩy mạnh. Vòng quay này cuối cùng sẽ giúp ngân sách nhà nước tăng thu 4,3% trong dài hạn.

Mặc dù vậy, chính sách giảm 2% thuế VAT mới chỉ được thông qua đến hết năm 2022. Sẽ khá đáng tiếc nếu giải pháp này không được tiếp tục áp dụng trong năm 2023, bởi các doanh nghiệp tuy đã bắt tay vào phục hồi sản xuất nhưng vẫn rất dễ bị tổn thương. Giống như người vừa ốm dậy, vẫn cần chế độ vận động nhẹ nhàng chứ chưa thể lao lực ngay như bình thường.

Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã có những nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ. 

Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19, như: Chính sách giảm 2% thuế VAT, chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuế đất mới theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19.12.2019 của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ,…

Hiện nay, nền kinh tế còn rất khó khăn, khi mỗi tháng có gần 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19, theo Tổng cục Thống kê. 

Năm tới đây, nền kinh tế được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023 trong bối cảnh khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp và khó lường.

Vì thế, chính sách giảm thuế VAT 2% chính là một trong số các giải pháp căn bản, một liều thuốc điều trị trực diện cho các đối tượng người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên được cân nhắc tiếp tục. Nuôi dưỡng nguồn thu theo cách đó sẽ hiệu quả và bền vững nhất. 

Lan Anh

Những 'nút thắt' trị giá nghìn tỷNhững “nút thắt” trị giá hàng ngàn tỷ đồng liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng đang được cơ quan thuế cam kết tháo gỡ sau cuộc đối thoại giữa ngành thuế và các doanh nghiệp vào cuối tuần trước.