Tạo môi trường khởi nghiệp

Gần đây, tôi có cơ hội thăm Meta, tập đoàn sở hữu Facebook. Trong các cuộc thảo luận, họ nhắc rất nhiều lần đến Việt Nam, bên cạnh Indonesia và Ấn Độ. Cũng mới đây, tôi tiếp xúc với nhiều DN Singapore sang Việt Nam khởi nghiệp vì Việt Nam có nguồn nhân lực công nghệ thông tin tốt và mức lương cạnh tranh hơn.

Ở ASEAN, Việt Nam được nhắc đến với nhiều ngưỡng mộ về tốc độ tăng trưởng cao liên tục, quy mô dân số… Các nhà đầu tư nước ngoài thấy tiềm năng và sự phát triển đầy triển vọng của Việt Nam. Chúng ta có nhân lực tốt, quy mô thị trường tốt và vị thế tốt ở khu vực.

Bên cạnh sự đóng góp quan trọng của DN FDI thời gian dài vừa qua, bây giờ là lúc cần phát triển nhanh, bền vững khu vực DN tư nhân Việt Nam.

Rất cần tạo môi trường khởi nghiệp cho thế hệ trẻ. Ảnh: TTXVN

Điều quan trọng là làm sao giữ được tinh thần khởi nghiệp. Thế hệ trẻ không còn chăm chăm vào làm việc ở khu vực nhà nước như trước đây. Hiện nay có dòng chảy ngược từ khu vực nhà nước sang khu vực bên ngoài để làm việc.

Khơi dậy và nuôi nấng tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ, tạo môi trường khởi nghiệp cho họ là rất cần thiết. Các chính sách cho khởi nghiệp phải thân thiện hơn, an toàn hơn và sát chuẩn quốc tế hơn. Gốc rễ để phát triển DN và chăm bón tinh thần khởi nghiệp là đảm bảo môi trường kinh doanh tốt, thân thiện.

“Vùng xám” phi chính thức

Ưu tiên đầu tiên là giảm được tỷ lệ kinh tế hộ hay khu vực phi chính thức trong khu vực tư nhân vì hiện nay tỷ lệ này còn quá cao, tới hơn 30% GDP. Khu vực này vẫn có những hoạt động không công khai, hay những hoạt động trong “vùng xám”.

Ở góc độ nào đó, “vùng xám” mang lại cái lợi, giúp họ tránh sự chú ý của cơ quan công quyền địa phương. Tuy nhiên, về dài hạn, hoạt động chính thức mới có hiệu suất cao vì khi nấp mãi trong “vùng xám” phi chính thức thì vừa mất cơ hội phát triển lớn vừa làm thất thu thuế. Hơn nữa, khi cố gắng duy trì hình thức kinh doanh phi chính thức, họ có thể dễ dàng thỏa hiệp, bỏ qua các nguyên tắc quản trị tốt, thậm chí thông đồng, tiếp tay cho tham nhũng, sửa đổi số liệu và như vậy rất dễ bị sập bẫy lúc nào không biết.

Kết quả điều tra PCI cho thấy chi phí không chính thức vẫn tồn tại khá phổ biến trong một số lĩnh vực thủ tục thiết yếu với DN như gia nhập thị trường, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức còn cao trong hoạt động thanh tra xây dựng (67%) và cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (61%). DN cũng thường trả chi phí không chính thức ở những thủ tục hoặc nghiệp vụ như quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra phòng cháy chữa cháy và đất đai.

Quản trị hiện đại để tránh rủi ro

Việt Nam đã có hơn 2 thập kỷ để DN tư nhân gia nhập thị trường thuận lợi hơn, dễ dàng hơn nhưng chưa thành công trong việc nâng cao chất lượng quản trị. Đến giờ, chúng ta cần bước vào thập kỷ khi DN có chất lượng quản trị tốt hơn, được bảo vệ tốt hơn.

Doanh nghiệp không chỉ là tài sản của một thế hệ, mà phải tính đến sự truyền đời.

Phía sau cái biển công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn… nhiều DN vẫn chưa trang bị hệ thống quản trị tốt, không ít DN quản trị kiểu gia đình. Theo cách đó, chỉ một quyết định có thể cảm tính của một người có thể đặt cả DN và cổ đông vào rủi ro. Những vụ việc vừa rồi cho thấy bóng dáng của cách quản trị kiểu gia đình.

Quản trị tốt hơn sẽ giúp DN phát triển bền vững hơn. Các DN tư nhân phải phát triển bền vững hơn, phải có văn hóa để truyền đời. DN không chỉ là tài sản của một thế hệ, mà phải tính đến sự truyền đời.

Tôi cho rằng, hiện nay không ít DN cảm thấy bất an về tính ổn định của chính sách, do đó chúng ta phải kiên quyết bảo vệ DN làm ăn chân chính. Các chính sách cần được thiết kế và thực thi nhất quán trong bộ máy nhà nước theo hướng tạo thuận lợi cho DN. DN tư nhân cần sự bảo đảm về nhiều mặt mới dám yên tâm sản xuất, kinh doanh, tạo ra của cải vật chất cho đất nước.

Đất nước là nơi làm ăn, sinh sống

Như tôi đã nói, các nhà đầu tư nước ngoài luôn coi Việt Nam là điểm đến làm ăn, kinh doanh hấp dẫn. Với DN tư nhân, đất nước cũng cần có môi trường thuận lợi, an toàn để họ làm ăn, sinh sống, tránh tình trạng làm giàu ở đây rồi mang tài sản đi nơi khác. Vì thế, chính sách tốt, an toàn sẽ giúp bảo vệ các DN tư nhân chân chính khỏi tâm trạng dao động. Những vụ án gần đây cần được coi như nỗ lực thiết lập lại môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, công khai hơn, công bằng hơn.

Tôi cho rằng, kinh nghiệm trong dịch bệnh, khi tất cả đều táo bạo và quyết tâm để có vắc xin là có vắc xin, cần được thực hiện trong tạo lập môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi. Cả hệ thống, cả quốc gia cần được huy động để tháo bỏ mọi rào cản, mọi húy kỵ để phát triển DN tư nhân thành động lực quan trọng thì khu vực này sẽ phát triển mạnh mẽ, bùng nổ hơn nhiều, giúp hiện thực hóa các mốc phát triển 2030, 2045.

Trăn trở khi thế hệ doanh nhân ban đầu đang già điTS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là người có công lớn trong soạn thảo luật Doanh nghiệp. Nhân ngày doanh nhân, ông chia sẻ những đánh giá rất đáng suy nghĩ về khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.