Bộ Tài chính đang gấp rút xem xét sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chỉ sau hơn 2 tháng được ban hành do có quá nhiều rào cản kỹ thuật trong phát hành với doanh nghiệp. Động thái này cho thấy, cơ quan quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã lắng nghe phản ứng của thị trường một cách cầu thị và nghiêm túc.

Hiệp hội thị trường trái phiếu cho biết, từ đầu tháng 10 đến 4/11, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận trên các sàn HNX và SSC.

Phát hành trái phiếu mới đóng băng đã lái nhiều doanh nghiệp đến nguồn vốn vay quốc tế. Theo công ty FiinRatings, các doanh nghiệp đã phát hành tổng giá trị 1.915 tỷ USD trong 10 giao dịch được công bố gần đây.

Khi dự thảo nghị định 65 được đưa ra lấy ý kiến, nhiều chuyên gia đã dự báo, với các quy định kỹ thuật đầy rào cản, khi ra đời thì văn bản này sẽ “siết chặt” việc phát hành.

Nó như cú phanh cực gấp cho cỗ xe đang đi tốc độ cao có trọng lượng 1,3 triệu tỷ đồng trong năm 2021 khi thị trường này bùng nổ. Đó là chưa nói đến yếu tố tâm lý của nhà đầu tư ít khi được tính toán trong quá trình thiết kế và thực thi chính sách.

Các nhà đầu tư cần bình tĩnh, tỉnh táo cho doanh nghiệp phát hành cơ hội sử dụng vốn để sản xuất kinh doanh theo kế hoạch và trả nợ đúng hạn và cam kết.

Xin trích dẫn một góc nhìn của một chuyên gia sau khi phân tích số liệu tổng hợp về bức tranh của trái phiếu doanh nghiệp đã được báo chí đăng tải.

Đầu tiên phải nói đến giá trị trái phiếu đáo hạn, tức là đến hạn phải thanh toán chứ không phải là phát hành để đảo nợ. Trong 2 tháng cuối 2022 phải thanh toán 59 ngàn tỷ đồng. Tính cả năm 2023, tổng số vốn trái phiếu doanh nghiệp phải thanh toán là 311 ngàn tỷ đồng.

Lượng trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2022 là 328,9 ngàn tỷ đồng (trong tháng 10 chỉ có 5,8 ngàn tỷ). Xu hướng này không phải là doanh nghiệp không cần vay nợ nữa mà là báo hiệu hoạt động của doanh nghiệp đang giảm tốc, thu hẹp hoặc do phát hành trở nên khó khăn.

Trái phiếu phát hành năm 2022 có tài sản đảm bảo chiếm 46,5%. Số không có tài sản đảm bảo chủ yếu là của các tổ chức tín dụng. Khoảng 170 ngàn tỷ đồng trái phiếu có thời hạn 1-3 năm; gần một nửa là có thời hạn từ 3-10 năm và hơn 10 năm. Ngân hàng chiếm hơn 54% giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp, và doanh nghiệp bất động sản chỉ chiếm gần 21%.

Nền kinh tế tăng trưởng thì ngân hàng cũng tăng trưởng. Số dư vay của hệ thống ngân hàng thương mại trong nước là khoảng 8 triệu tỷ đồng. Người thì vay kinh doanh, người thì vay tiêu dùng, tất cả đều tạo ra cung và cầu của hoạt động kinh tế. Doanh nghiệp hoạt động cần vốn và trả lãi vay cho ngân hàng. Nhiều khi ngân hàng và người gửi tiền có lãi, còn doanh nghiệp chỉ hoà vốn hoặc lỗ.

Khảo sát số liệu 20 doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán 30/9/2022 thì vay ngân hàng chỉ 10%, phát hành trái phiếu 20% tính trên nợ phải trả của doanh nghiệp. 70% số nợ phải trả còn lại là nợ nhà cung cấp, nợ người lao động, nợ thuế và nhiều thứ nợ khác.

Bức tranh đó cho thấy, người mua trái phiếu doanh nghiệp không có lý gì phải quá lo lắng. Nếu tất cả đổ xô đến “đòi lại” thì không một doanh nghiệp nào có thể đứng vững được, trụ được chứ đừng nói là phát triển.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp như tam giác nối ba chủ thể là Nhà nước, doanh nghiệp và người mua trái phiếu. Nhà nước cũng chỉ là một chủ thể mà thôi, nhưng trong chủ thể lớn đó, có cơ quan có trách nhiệm cấp phép cho doanh nghiệp phát hành, có các cơ quan chịu trách nhiệm phát hành trái phiếu ra thị trường. Để thị trường đến mức độ hiện nay là do khâu quản lý nào?

Những vấn đề trên và nhiều vấn đề khác là những bài toán đặt ra cho các nhà soạn thảo dự thảo thay thế Nghị định 65 tới đây để phân minh về quản lý và giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh nhằm đảm bảo trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn.

Tư Giang