Chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước

Bộ trưởng Tài chính cho biết, chiều 25/4, ông tiếp tục có thêm buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công an và các cơ quan chức năng hai Bộ. “Tinh thần không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế một lần nữa được thống nhất cao”, ông Phớc nói.

Những nỗ lực của Bộ trưởng, ông giải thích, là nhằm thực hiện cam kết của Thủ tướng tại hội nghị phát triển thị trường vốn khi không dưới 2 lần Thủ tướng đã khẳng định và nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước ta nhất quán chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế” và “luôn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những DN tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, làm ăn hiệu quả, chính đáng, minh bạch, làm giàu chính đáng cho mình, đóng góp cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân”.

Những biến động trên thị trường chứng khoán và trái phiếu DN gần đây là rất đáng quan tâm. Người ta tính toán, vốn hóa trên Hose đã “mất” giá trị tương ứng gần 30 tỷ USD, còn vốn hoá 20 DN lớn nhất bốc hơi hơn 400 nghìn tỷ đồng trong gần 3 tuần thị trường giảm sâu gần đây. Phía sau bức tranh này có nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản nhất, theo nhận định của nhiều chuyên gia, liên quan đến lòng tin thị trường.

Nguồn vốn từ phát hành trái phiếu đã giúp đa số DN làm phá vỡ thế “đông cứng” của dòng tiền sau 2 năm Covid-19

Các DN phát hành lo ngại, việc sử dụng vốn trái phiếu DN không đúng mục đích có thể bị quy kết là tội hay không. Quy định luật pháp thì chặt chẽ, nghiêm ngặt, nhưng thực tế cuộc sống, nhất là vốn, lại rất đa dạng.

Ví dụ, DN phát hành trái phiếu để phát triển dự án bất động sản A. Tuy nhiên, khi tiền đã về thì dự án A tắc do thủ tục, nên DN gửi tiền vào ngân hàng hoặc lại đầu tư cho dự án B có khả năng sinh lời cao hơn. DN đó, vì vậy, bảo toàn, phát triển được số vốn đó, trả tiền lãi và gốc đầy đủ, đúng hạn cho nhà đầu tư. Họ băn khoăn, việc sử dụng tiền trái phiếu DN không đúng mục đích như vậy có phải là tội lừa đảo không. Chủ DN có thể đối diện với luật pháp hay không?

Vì thế, DN hi vọng, khi khẳng định “Tinh thần không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế” thì có bao quát các trường hợp như trên hay không. Chắc chắn, trong số  những DN đã phát hành trái phiếu, các trường hợp như trên chiếm đa số. Nguồn vốn từ phát hành trái phiếu đã giúp đa số DN làm phá vỡ thế “đông cứng” của dòng tiền, của tắc nghẽn thanh khoản sau 2 năm Covid-19 khốc liệt.

Từ kinh nghiệm của ngân hàng

Tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Tài chính được trích dẫn nói, sau khi ban hành Nghị định 153 lại thể hiện lỗ hổng về phát hành trái phiếu riêng lẻ, đã có những vi phạm cho nên cần siết lạị.

“Lỗ hổng” và “siết lại” là như thế nào cần được truyền thông, giải thích rất khéo léo, minh bạch để không gây lo ngại cho các nhà đầu tư và DN về những việc đã qua, đặc biệt là sự phát triển tới đây của thị trường.

Trên cùng nền tảng luật pháp và thị trường, vì sao việc quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại rất chặt chẽ, giám sát tốt hơn qua lời Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Theo đó, bà khẳng định, để đảm bảo an toàn hoạt động các tổ chức tín dụng (TCTD), đáp ứng yêu cầu chi trả cho người dân, NHNN đã kiểm soát rất chặt chẽ việc TCTD mua trái phiếu DN thông qua nhiều quy định.

Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát rất chặt chẽ việc tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp

Cụ thể: Hoạt động mua, đầu tư trái phiếu DN được tính vào dư nợ tín dụng của một khách hàng khi xác định giới hạn tín dụng theo luật các TCTD; quy định TCTD mua, bán trái phiếu DN phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chỉ được mua khi TCTD có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%;

TCTD chỉ được mua trái phiếu DN khi phương án phát hành, phương án sử dụng vốn khả thi, DN phát hành trái phiếu có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi, DN phát hành không có nợ xấu tại các TCTD trong vòng 12 tháng gần nhất.

TCTD không được mua trái phiếu phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính DN phát hành hoặc có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại DN khác, có mục đích tăng quy mô vốn hoạt động...

Bà Hồng nói, NHNN thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình đầu tư trái phiếu DN của TCTD; từ đó chỉ đạo, cảnh báo, yêu cầu các TCTD kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu DN. NHNN phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra thực trạng phát hành của thị trường trái phiếu DN trong năm 2019 và 2020.

Vì sao đến năm 2021, khi thị trường trái phiếu DN bùng nổ, vượt trên 700 ngàn tỷ đồng, mà hoạt động kiểm tra, giám sát lại không được nhắc đến, như Thống đốc hàm ý?

Hành động mới giúp trấn an thị trường

Để trấn an thị trường cần cả lời nói kèm hành động. Vẫn phải khẳng định, phát triển thị trường trái phiếu DN là đúng đắn và kiên định với sự phát triển đó, như văn kiện Đại hội đã quán triệt; việc xử lý 3 trường hợp Tân Hoàng Minh, cựu chủ tịch FLC, và Luis là để bảo vệ thị trường và nhà đầu tư, để thị trường phát triển lành mạnh. Trước mắt, cần xử lý ngay lập tức việc Tân Hoàng Minh trả lại tiền cho nhà đầu tư để trấn an nhà đầu tư, không để tâm lý lo ngại dẫn đến rút vốn.

Bên cạnh đó, cam kết phối hợp với Bộ Công an và các bộ ngành khác “không hình sự hóa”, như Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói, là rất quan trọng. Cần gửi thông điệp đại xá cho DN phát hành vì tuyệt đại đa số cực kỳ khó khăn sau 2 năm Covid. Tuy nhiên, cần lặng lẽ thanh tra, giám sát một số DN đã phát hành có rủi ro cao, buộc vào đó trách nhiệm của các công ty chứng khoán, ngân hàng.

Từ thông điệp của Thủ tướng đến hành động để tạo lập niềm tinMột số doanh nghiệp phát hành trái phiếu như trút được gánh nặng sau khi nghe thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong hội nghị “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững” cuối tuần trước.Xem ngay

Về dài hạn, khi sửa luật Chứng khoán, các nghị định, cần tham khảo các quy định liên quan của các nước phát triển vì họ đã có kinh nghiệm hàng chục, hàng trăm năm. Ví dụ, nên nghiên cứu để cho các nhà đầu tư riêng lẻ đầu tư trái phiếu qua các quỹ đầu tư thay vì đầu tư trực tiếp. Các quỹ đầu tư có năng lực và chuyên môn để giám sát các DN phát hành tốt nhất, có dự án đầu tư tốt nhất.

Quy định hiện nay về nhà đầu tư riêng lẻ, nhà đầu tư chuyên nghiệp, dù rất đầy đủ trong hệ thống luật pháp, đang bị các công ty chứng khoán “lách”, và các cơ quan quản lý rất dễ bị quy kết “buông lỏng quản lý”. Cùng với đó là các quy định về tài sản đảm bảo, phát triển các công ty xếp hạng…

Cũng cần xem xét, nâng cấp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi thị trường chứng khoán đã phát triển rất cao, về quy mô gần bằng GDP. 

Thị trường chứng khoán là biểu tượng cao nhất của dòng vốn, của tư bản, nơi niềm tin của nhà đầu tư luôn là hàn thử biểu. Vì thế, quản lý thị trường cần minh bạch, công khai, có trách nhiệm giải trình và khéo léo, chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính, duy ý chí. Nhà đầu tư rất tinh tường, họ nhìn vào hành động hơn là lời nói. 

Tư Giang