Tác dụng của nước dừa 

Theo Healthline, mặc dù nước dừa không phải là thuốc chữa bách bệnh nhưng có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Lý do là: 

- Ít đường và calo

- Chứa nhiều chất điện giải như kali ngăn ngừa mất nước

- Có vitamin và khoáng chất (vitamin C, vitamin B1, mangan, phốt pho, canxi)

- Không có chất béo hoặc cholesterol

- Có chất chống oxy hóa

- Ngăn ngừa sỏi thận. 

Nước dừa có nhiều tác dụng nhưng không phải ai cũng nên uống. Ảnh: Healthifyme

Bạn nên uống bao nhiêu nước dừa mỗi ngày?

Chuyên gia dinh dưỡng người Ấn Độ Aman Puri cho biết: “Mặc dù nước dừa an toàn, chứa nhiều chất dinh dưỡng và được coi là một cách tuyệt vời để cung cấp nước cho cơ thể, nhưng việc uống quá nhiều nước dừa có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe”. 

Theo WebMD, mặc dù không có quy định lượng nước dừa nên dùng mỗi ngày, nhưng bạn chỉ nên uống từ một đến hai cốc. 

Nhược điểm 

Mặc dù nước dừa có nhiều lợi ích, nhưng uống quá nhiều có thể gây hại. Nước dừa có hàm lượng natri cao, uống quá mức có thể chiếm nhiều lượng natri cho phép hằng ngày của bạn. Nước dừa cũng có thể gây hạ huyết áp. Nếu sắp phẫu thuật, mọi người nên ngừng uống trước đó 2 tuần. 

Uống quá nhiều nước dừa có thể gây mất cân bằng điện giải trong cơ thể do tăng đột biến nồng độ kali, gây ra các vấn đề về thận và nhịp tim không đều. 

Người có vấn đề về huyết áp, đường huyết không nên uống nhiều nước dừa. Ảnh: Emedihealth

Ai không nên uống nước dừa

Chuyên gia dinh dưỡng Kacie Vavrek, Trung tâm Y tế Wexner, Đại học Bang Ohio (Mỹ), chia sẻ những người mắc bệnh thận mạn tính không nên uống nhiều nước dừa vì loại nước này có hàm lượng kali cao. Thói quen này có thể gây tăng kali máu, nguy cơ gây tử vong.

Theo SF Gate, do lượng natri cao trong nước dừa nên những người bị huyết áp cao cũng nên lưu ý về lượng tiêu thụ. 

Uống quá nhiều nước dừa có thể gây rủi ro cho bệnh nhân tiểu đường. Mỗi cốc nước dừa có khoảng 6g đường. Do đó, bệnh nhân tiểu đường nên hạn chế uống nước dừa. 

Ngoài ra, dù nước dừa chứa ít đường hơn hầu hết các loại nước uống thể thao và nước ép trái cây nhưng lại chứa quá nhiều calo. Một số người cũng có thể bị đau bụng và đầy hơi. Nước dừa cũng có đặc tính lợi tiểu, khiến bạn phải đi vệ sinh thường xuyên.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, không nên cho trẻ dưới 1 tuổi uống nước dừa. Sau 12 tháng tuổi, trẻ có thể uống dưới 100ml. Trẻ có thể bắt đầu ăn cùi dừa khi được khoảng 6 tháng tuổi, đây là thời điểm mà hầu hết các bé có thể bắt đầu dùng thức ăn đặc.