Trao đổi với PV VietNamNet, bà Trần Thanh Huyền, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái cho biết, địa phương đang tích cực triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" (từ năm 2022) và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Đến nay hầu hết các chỉ tiêu chính của dự án đều được các cấp hội tích cực triển khai. “Các cấp hội phụ nữ đã thành lập, duy trì hoạt động 238/314 tổ truyền thông cộng đồng; hỗ trợ tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ được hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận với các dịch vụ kinh tế thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa.

Đặc biệt tại các vùng đồng bào DTTS, chúng tôi cũng đã củng cố, nâng cao chất lượng hoặc thành lập mới địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình. 

Đồng thời, tổ chức cuộc đối thoại chính sách tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn về các vấn đề mà phụ nữ, trẻ em và người dân quan tâm”, bà Huyền thông tin. 

Bà Huyền cho biết, trong hơn 1 năm triển khai dự án, đến nay đã tổ chức 19 buổi tập huấn hướng dẫn, thành lập, vận hành tổ truyền thông cộng đồng; 16 buổi tập huấn vận hành, duy trì địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 10 buổi tập huấn về tổ chức đối thoại chính sách cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã và thôn, bản.

W-hoi-phu-nu-yen-bai-3.jpeg
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái trợ giúp chị em dân tộc thiểu số. (Ảnh: N.Huyền) 

Từ những buổi tập huấn này, các tổ truyền thông cộng đồng cũng đã tổ chức 69 hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới tại cộng đồng, thu hút 3.949 lượt người tham dự. 

“Tổ chức 4 cuộc thi tìm kiếm sáng kiến, mô hình, giải pháp truyền thông hiệu quả thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em.

Tổ chức 9 hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức và tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn cho phụ nữ thuộc nhóm DTTS. Hỗ trợ phụ nữ DTTS ở địa bàn xa xôi, hẻo lánh khó tiếp cận dịch vụ tại trạm y tế được sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em”, bà Huyền thông tin. 

Theo bà Huyền, trong thời gian qua, địa phương đã khảo sát, thí điểm hỗ trợ 1 mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS trên địa bàn huyện Yên Bình.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, bà Huyền cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại. Trong đó có việc giải ngân vốn còn thấp, cá biệt như huyện Mù Cang Chải còn chưa thể giải ngân.

“Nhiều hoạt động còn chậm tiến độ, do đội ngũ cán bộ Hội chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức, triển khai dự án lớn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong khi đó, một số hoạt động được giao vốn nhưng do căn cứ thực tế địa phương và do điều chỉnh từ Trung ương nên các hoạt động này không giải ngân được. Cụ thể, Hội Liên hiệp phụ nữ có văn bản tạm dừng triển khai hoạt động thành lập Tổ tiết kiệm vay vốn thôn, bản; hoạt động hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về không triển khai được do địa phương không có những trường hợp này”, bà Huyền chia sẻ.

Ngoài ra, việc triển khai một số chỉ tiêu gặp khó khăn, đặc biệt những chỉ tiêu liên quan đến công nghệ số, ví dụ như chỉ tiêu hỗ trợ Tổ nhóm sinh kế, Tổ hợp tác, Hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ được hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin. 

Trước những bất cập này, bà Huyền kiến nghị các cơ quan của địa phương cần tăng cường sự phối hợp trong triển khai thực hiện dự án; đẩy mạnh thực hiện nội dung lồng ghép giới trong các hoạt động; phát huy vai trò của người có uy tín trong dòng họ để tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện hiệu quả nội dung dự án.