Kỳ 1: Vị vua cải trang làm thợ ở Hà Lan để học đóng tàu

Minh Trị Thiên Hoàng đã canh tân và đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hiện đại, hùng cường, thoát nguy cơ trở thành thuộc địa của các nước đế quốc phương Tây giữa lúc chủ nghĩa thực dân đang phát triển mạnh.

Vào thời điểm ông lên ngôi, Nhật Bản căn bản là một nước nông nghiệp lạc hậu, thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng từ hàng trăm năm trước, ngại và sợ nước ngoài, bị nhiều nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Nga… buộc phải ký một loạt hiệp ước bất bình đẳng.

Cầu trí thức ở thế giới, tự lực, tự cường

Ngay trong “Năm lời tuyên thệ“ của ông khi làm lễ đăng quang Thiên Hoàng năm 1868 đã thể hiện quyết tâm canh tân đất nước, học hỏi bên ngoài để vươn lên:

- Mở ra hội nghị rộng rãi, trăm công ngàn việc đều lấy theo công luận mà quyết định;

- Trên dưới một lòng, ra sức sửa sang việc nước;

- Văn võ một đường, từ công khanh đến thứ dân, đều được toại chí, khiến cho lòng người hăm hở sốt sắng;

- Thảy bỏ hết những thói hư mối tệ chất chứa lâu đời, từ đây gắng gổ duy tân tự cường, hiệp theo công đạo của Trời Đất;

- Cầu trí thức ở thế giới, làm cho nước nhà trở lên mạnh lớn vẻ vang.

Minh Trị Thiên Hoàng đã canh tân và đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hiện đại, hùng cường

Năm 1871, Minh Trị cử một phái đoàn lớn đi nghiên cứu các nước phương Tây với 2 sứ mạng: một là đàm phán với các nước phương Tây để xóa bỏ các hiệp ước bất bình đẳng mà Nhật Bản buộc phải ký trước đây; hai là tìm hiểu, học hỏi các nước phương Tây mang về áp dụng trong nước.

Phái đoàn đã đi với tổng thời gian khoảng 22 tháng, trong đó ở Mỹ lâu nhất - 10 tháng, còn lại là đến các nước như Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Ý… Trở về nước, phái đoàn đã trình lên Minh Trị câu trả lời cho sứ mạng thứ nhất là không thể thay đổi được các hiệp ước mà Nhật Bản đã ký với các nước phương Tây.

Con đường duy nhất mà Nhật Bản phải đi là vươn lên, tự lực, tự cường ngang bằng với các nước phương Tây, đến lúc đó mới có thể xóa bỏ các hiệp ước đó. Đồng thời, một loạt kiến thức, hiểu biết cũng như kinh nghiệm của các nước trên nhiều lĩnh vực đã được phái đoàn ghi nhận và sau này được Minh Trị cho áp dụng vào Nhật Bản, trong đó có đề xuất quan trọng là tổ chức nhà nước Nhật Bản nên theo mô hình đại nghị chế của Anh, Đức.

Năm 1882, một phái đoàn được cử đến các nước châu Âu để tham khảo hiến pháp và luật pháp của các nước này nhằm chuẩn bị cho việc soạn thảo một bản hiến pháp của Nhật Bản.

Bản thân Minh Trị cũng tự học và được các thầy của mình dạy, phổ biến khá nhiều kiến thức trên các lĩnh vực của các nước phương Tây như chính trị và luật pháp của nước Pháp, luật pháp của Đức…

Có thể nêu những chính sách, biện pháp cải cách thông qua học kinh nghiệm nước ngoài được Minh Trị Thiên Hoàng áp dụng như sau:

- Cắt tóc ngắn thay cho để tóc dài;

- Bãi bỏ chế độ ăn chay trong toàn dân, khuyến khích ăn thịt như người phương Tây để có sức khỏe và trí thông minh;

- Xóa bỏ lịch cũ, chuyển sang sử dụng lịch như các nước phương Tây, bỏ ăn tết theo âm lịch và chuyển sang đón năm mới theo dương lịch;

Sắp về hưu thì cho ra nước ngoài… học hỏiSắp về hưu thì cho ra nước ngoài… học hỏiXem ngay

- Cử du học sinh sang các nước như Anh, Đức, Mỹ… học về chính trị, quân sự và kinh tế. Những người giỏi trở về nước tham gia vào việc giúp triều đình xây dựng và phát triển đất nước;

- Đưa vào áp dụng các tước vị như các nước phương Tây là Công, Hầu, Bá, Tử, Nam, dần hình thành một tầng lớp quý tộc mới trung thành với vua;

- Ban bố Hiến pháp năm 1889. Đây là bản Hiến pháp lấy hiến pháp của Phổ làm khuôn mẫu;

- Tổ chức nhà nước Nhật Bản theo hệ thống đại nghị, mà biểu hiện cụ thể là nhà nước quân chủ lập hiến giống như các nước như Anh, Đức; xây dựng chế độ nội các dập khuôn theo hình mẫu phương Tây;

- Quân đội được tổ chức và huấn luyện theo kiểu phương Tây, áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự thay cho chế độ trưng binh. Người Phổ giúp Nhật Bản xây dựng quân đội, người Anh cho mượn tàu thuyền cùng chuyên gia đóng tàu;

Kết quả của công cuộc canh tân đất nước, của việc học kinh nghiệm nước ngoài đưa vào vận dụng trên rất nhiều lĩnh vực của xã hội đã góp phần đưa Nhật Bản vươn lên trở thành một cường quốc, thắng Trung Quốc trong cuộc chiến 1894, thắng Nga trong cuộc chiến 1904 và tất cả các hiệp ước bất bình đẳng trước đây với các nước phương Tây đã bị xóa bỏ.

Đôi điều đáng nói về học kinh nghiệm nước ngoài trong 2 cuộc canh tân đất nước dưới thời Pierre Đại Đế và Minh Trị Thiên Hoàng:

- Có nhiều sự giống nhau đến kỳ lạ giữa 2 cuộc cải cách, canh tân đất nước, mặc dù khoảng cách về thời gian là khoảng 2 thể kỷ: từ những thay đổi nếp sống hàng đời nay của người dân như bỏ để râu dài, cắt tóc ngắn, bỏ áo thụng, ăn thịt, cho đến học nước ngoài trong phát triển kinh tế, giáo dục, xây dựng quân đội cho đến tổ chức nhà nước…

- Học nước ngoài vận dụng vào trong nước, nhưng về cơ bản hồn cốt dân tộc, đất nước vẫn được bảo tồn và gia tăng giá trị trong quá trình phát triển đi lên;

- Tầm nhìn người lãnh đạo cao nhất là bảo đảm cho đường hướng phát triển chuẩn, là bảo đảm cho việc vận dụng kinh nghiệm, tri thức của nước ngoài vào trong nước;

- Cả Pierre Đại Đế và Minh Trị Thiên Hoàng đều có một triết lý giống nhau, đó là cái gì của Tây Âu, của thế giới đã chuẩn mà hợp ta thì cứ việc theo, đỡ được rất nhiều thứ lòng vòng, không cần thiết phải làm trong quá trình vận dụng.

Đinh Duy Hòa

(Bài viết có sử dụng một số tài liệu có liên quan)

Lý do Nhật đổi mới thành công còn VN thì không?Sự tiến bộ của Nguyễn Trường Tộ cũng như sự cầu thị của vua Tự Đức và các đại thần là điều kiện cần nhưng chưa đủ để VN canh tân như Nhật Bản.