Theo báo cáo của tỉnh Lào Cai, hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 10 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư; các chủ đầu tư, chủ trì liên kết đang tiếp tục triển khai các nội dung theo kế hoạch thực hiện của dự án.

Dự án sẽ tập trung vào các cây trồng chủ lực của tỉnh như chè, quế, chuối, cây dược liệu… và các cây trồng tiềm năng của các địa phương như mận Tả Van, lê VH6, nhất chi mai,… (ảnh Hải Yến)

Năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hỗ trợ thực hiện 36 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị với tổng kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ 71.913 triệu đồng, trong đó hỗ trợ thực hiện 28 dự án phát triển sản xuất liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, 8 dự án phát triển sản xuất cộng đồng.

Các dự án tập trung vào các cây trồng chủ lực của tỉnh như chè, quế, chuối, cây dược liệu… và các cây trồng tiềm năng của các địa phương như mận Tả Van, lê VH6, nhất chi mai,…

Việc triển khai, thực hiện các dự án liên kết giúp cho người dân nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, việc thực hiện các dự án góp phần nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa nông nghiệp của tỉnh, tăng diện tích, sản lượng một số cây trồng chủ lực của tỉnh theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Để đảm bảo theo đúng các quy định của Trung ương, đạt hiệu quả cao, thực hiện tốt việc giải ngân, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh phải tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Theo kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023, tỉnh Lào Cai phấn đấu:

Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc đổ bê tông đạt 100%; có 78% phòng học được xây dựng kiên cố; 97,6% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 97% hộ dân là người DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình đạt 97,7%, được nghe đài phát thanh đạt 99,4%; thực hiện ổn định sắp xếp dân cư nơi cần thiết cho trên 590 hộ. 

Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo đến trường đạt 99,5%; học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 99,6%; học sinh trong độ tuổi học THCS đến trường đạt 99,4%; học sinh trong độ tuổi học THPT đạt 74%; tỷ lệ người từ 15 đến 60 tuổi đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 94%. 

Tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu đạt 52,8%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ. 

Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, xoá bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu; 97% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 70% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (hoặc câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. 

Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương; 42% cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng 4 được bồi dưỡng kiến thức về chính sách dân tộc, công tác dân tộc. 

Thị Hân và nhóm PV, BTV