Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết liên quan đến phát triển hệ thống hạ tầng giao thông ở TP.HCM, nơi nhu cầu phát triển là rất lớn sau đại dịch.

Hệ thống giao thông kém phát triển, nạn ùn tắc diễn ra hàng ngày đang là nút thắt cản trở sự phát triển đô thị thông minh cho TP.HCM.

Tính đến nay, tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ trên dưới 8%, quá thấp trong khi nhu cầu là từ 24-26%; tổng chiều dài các tuyến đường và cầu của TP chỉ khoảng 2km/km2 trong khi tiêu chuẩn là 10-13km/km2.

Đặc biệt, trong tổng chiều dài 4.044 km đường, chỉ khoảng 1.800 km có lòng đường rộng cỡ 7m. Số liệu này cho thấy mức độ đầu tư về quỹ đất và kinh phí dành cho giao thông còn thiếu rất nhiều, chưa tương xứng với đô thị lớn như TP.HCM.

{keywords}
Tổng chiều dài các tuyến đường và cầu của TP.HCM chỉ khoảng 2km/km2 trong khi tiêu chuẩn là 10-13km/km2

Trong nhiều năm qua, chính quyền có nỗ lực triển khai các dự án giao thông để tăng diện tích mặt đường cho xe chạy nhưng khả năng đạt chuẩn giao thông đô thị còn khá lâu.

Nhu cầu phát triển rất lớn

Còn nhiều dự án giao thông quan trọng có quy mô lớn với vốn đầu tư khá cao cần hoàn thành càng sớm càng có lợi, góp phần xây dựng đô thị thông minh như mở rộng các quốc lộ 1, 13, 50, 22, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, hệ thống đường sắt đô thị, 5 tuyến đường trên cao và các đường vành đai 2, 3, 4.

Trong khi đó, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển cơ sở hạ tầng còn rất thấp. TP có 11 dự án thuộc danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài nhưng chỉ có 1 dự án là khu đô thị Đại học quốc tế có nhà đầu tư nước ngoài tham gia là công ty Berjaya Leisure.

Còn lại 10 dự án đến nay vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư nào quan tâm như dự án xây dựng nhà ga hành khách xe buýt tại Chợ Lớn; 3 dự án đường trên cao tuyến số 1, 2, 3; 2 tuyến tàu điện 1 ray  số 2 và số 3; tuyến xe điện mặt đất số 1; tuyến đường sắt đô thị (metro) số 6.

Các cơ quan chức năng vẫn đề xuất đưa vào danh mục quốc gia hàng loạt dự án giao thông khác để kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 gồm các tuyến đường sắt đô thị số 2 (giai đoạn 2), số 3a, số 4, số 5 (giai đoạn 1, ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn).

Ngoài các dự án đã nêu, theo kế hoạch trong 5 năm tới, TP còn phải tập trung hoàn thành hàng loạt dự án như nút giao thông An Phú, mở rộng đường Trần Quốc Hoàn, xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 2, metro số 1, metro số 2, đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, cầu đường Nguyễn Khoái.

Chưa hết, TP còn phải tìm nguồn vốn để chuẩn bị đầu tư các dự án cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, các cầu kết nối bán đảo Thanh Ða.

Giao thông luôn là lĩnh vực giữ vai trò quan trọng hàng đầu không đơn thuần phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tăng năng suất lao động xã hội, vận chuyển thuận lợi giúp hạ giá thành sản phẩm. Ngược lại, không chỉ địa phương nơi đó mà cả quốc gia mất đi cơ hội phát triển.

Càng treo lâu, càng thiệt hại

Theo một tính toán được thực hiện từ cách đây khoảng 3 năm, mỗi năm TP.HCM thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, 1,3 tỉ USD do kẹt xe và 2,3 tỉ USD do ô nhiễm môi trường từ khí thải các phương tiện cơ giới. Nhưng con số này đến nay có thể đã cao hơn rất nhiều, đồng nghĩa với thiệt hại ngày càng lớn.

{keywords}
Sơ đồ tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Ảnh: Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Chỉ tính sơ qua một vài dự án đường bộ cũng có thể thấy mỗi dự án từ lúc xúc tiến lập báo cáo đầu tư đến khi chuẩn bị triển khai đã đội vốn lên cao. 

Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mới đây được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 15.900 tỉ đồng, tăng 2.286 tỉ so với tổng vốn dự tính trước đó là 13.614 tỉ  và tăng gần 5.200 tỉ so với mức dự kiến ban đầu được công bố năm 2019. Các dự án triển khai chậm so với quy hoạch, thiệt hại không chỉ tiền đội lên để giải phóng mặt bằng, phát sinh chi phí xây dựng mà còn kéo giảm sự phát triển thành phố, xây dựng đô thị thông minh.

TP.HCM nếu được điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2022-2025 (từ 18 lên 23%) cũng không đủ trong khi còn phải đầu tư cho các lĩnh vực dân sinh khác, giao thông hẳn phải có nguồn vốn rất lớn, không gì khác là xã hội hóa và linh hoạt sáng tạo với nhiều giải pháp phù hợp để hoàn thiện hạ tầng giao thông.

Mừng là vừa qua trong nghị quyết của đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025, mục tiêu phải nâng được tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị lên 15% cũng như tăng mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất lên 2,5km/km2 được xem là một trong những mấu chốt quan trọng.

HĐND TP cũng đã thông qua đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

Hạ tầng giao thông đã được quy hoạch cơ bản, bên cạnh đề xuất sử dụng ngân sách, có 210 dự án với nhu cầu vốn lên đến 923.630 tỉ đồng (gần 42 tỉ USD) được mời gọi xã hội hóa đầu tư. Đây còn là phương thức hợp tác công - tư (PPP).

Chủ trương đã có, đề án được thông qua sẽ là hành lang pháp lý để hiện thực hóa.

Bài 2: Tháo gỡ nút thắt để thu hút đầu tư tư nhân

Kỹ sư Trần Văn Tường

Cơ chế xin cho, bất bình đẳng và cơ chế đặc thù

Cơ chế xin cho, bất bình đẳng và cơ chế đặc thù

Có khoảng 300 ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế.