Hiện có nhiều đồn đoán về việc Israel có ý định tiến hành một chiến dịch tấn công trên bộ vào Lebanon hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, Hezbollah không phải là Hamas và Tel Aviv sẽ phải đối mặt với mối đe dọa lớn hơn nhiều cùng cái giá phải trả tương xứng nếu thúc đẩy một cuộc xung đột toàn diện mới với nhóm vũ trang này vì nhiều lí do.
Hezbollah mạnh hơn Hamas
Là nhóm vũ trang Hồi giáo người Shi’ite thân cận nhất của Iran trong khu vực, Hezbollah không chỉ phô trương vũ khí tinh vi hơn trong năm qua mà còn tự hào về chiều sâu chiến lược thông qua các đồng minh và đối tác trên khắp Trung Đông, kể cả ở Iraq và Yemen.
Trong khi năng lực quân sự của Israel đã được cải thiện kể từ cuộc chiến gần đây nhất ở Lebanon vào năm 2006, khi Tel Aviv vẫn chưa có hệ thống phòng không Vòm sắt, kho vũ khí của Hezbollah cũng vậy.
CNN dẫn lời các nhà phân tích quân sự ước tính Hezbollah đang có từ 30.000 - 50.000 quân. Song, đầu năm nay, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố nhóm đang quy tụ hơn 100.000 chiến binh và quân dự bị. Nhóm cũng được cho đang sở hữu từ 120.000 - 200.000 tên lửa và rocket.
Tài sản quân sự lớn nhất của Hezbollah là tên lửa đạn đạo tầm xa, ước tính có thể lên tới hàng nghìn quả, bao gồm cả 1.500 tên lửa chính xác có tầm bắn từ 250 – 300km và một số tên lửa được quảng cáo có thể bắn xa tới 500km.
Trong cuộc tập kích cuối tuần trước, nhóm tuyên bố đã nhắm vào căn cứ không quân Ramat David của Israel, cách biên giới Lebanon khoảng 48km, bằng các tên lửa tầm xa Fadi 1 và Fadi 2 được sử dụng lần đầu tiên. Quân đội Israel không trả lời các câu hỏi về việc căn cứ này có bị ảnh hưởng hay không, nhưng cơ quan ứng phó tình huống khẩn cấp của nước này thống kê có 3 người bị thương trong sự cố.
Theo Behnam Ben Taleblu, chuyên gia cấp cao tại tổ chức nghiên cứu FDD (Washington, Mỹ) chuyên tìm hiểu về Iran và các lực lượng ủy nhiệm, trọng lượng đầu đạn của những tên lửa này gợi nhớ đến đầu đạn Burkan IRAM hạng nặng lần đầu tiên được Hezbollah sử dụng vào mùa đông năm ngoái để chống Israel, nhưng có tầm bắn xa hơn đáng kể. Ông Taleblu nhận định, vụ tấn công bằng đầu đạn mới "có thể là cách Hezbollah muốn giữ thể diện nhưng không mất bình tĩnh” sau vụ gây nổ hàng loạt thiết bị liên lạc cầm tay của các thành viên nhóm, tình nghi do Israel tiến hành trong 2 ngày 17 – 18/9.
Orna Mizrahi, một chuyên gia về Hezbollah tại Viện nghiên cứu an ninh quốc gia Israel (INSS) lưu ý, phần lớn khả năng chiến đấu của Israel trong 2 cuộc xung đột diễn ra cùng lúc phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Mỹ. Bà Mizrahi tin rằng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) có thể làm được điều đó trong thời gian dài nếu được Washington cung cấp đạn dược đầy đủ.
Theo bà Mizrahi, Israel cũng có lợi thế tình báo rất lớn, đáng chú ý nhất là các cuộc tấn công táo bạo vào hệ thống liên lạc của Hezbollah vào tuần trước. Ngoài ra, Mỹ nhiều khả năng sẽ can thiệp hỗ trợ Israel trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột toàn diện mới.
Quân đội Israel bị kéo căng
Israel là một quốc gia nhỏ và lực lượng quân sự của họ không phải là vô hạn. Để chuẩn bị cho khả năng xảy ra cuộc xung đột thứ 2, IDF đang chuyển một số sư đoàn chủ chốt của mình từ Dải Gaza về biên giới phía bắc đất nước.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố, "trọng tâm hoạt động quân sự đang dịch chuyển về phía bắc" cùng với "lực lượng, tài nguyên, năng lượng". Trong số các đơn vị được rút về bảo vệ biên giới phía bắc Israel có sư đoàn 98 tinh nhuệ của Israel. Theo truyền thông Israel, sư đoàn lính dù còn có tên gọi Utzbat HaEsh này được cho bao gồm từ 10.000 - 20.000 quân.
Yoel Guzansky, chuyên gia INSS từng làm việc cho Hội đồng An ninh quốc gia Israel dưới thời 3 thủ tướng, giải thích việc IDF chuyển hướng nguồn lực sang mặt trận Lebanon không có nghĩa cuộc xung đột ở Gaza đã kết thúc. Động thái có thể vì Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảm thấy buộc phải giải quyết mặt trận phía bắc, trong bối cảnh áp lực trong nước gia tăng nhằm tạo điều kiện cho những người sơ tán khỏi khu vực này trở về.
Nhiều học giả Israel lo ngại, giữa lúc chiến dịch chống Hamas đã gây căng thẳng cho quân đội Israel, khiến binh lính không được nghỉ ngơi nhiều và gây tình trạng thiếu hụt nguồn lực đáng kể, một cuộc xung đột toàn diện mới với Hezbollah sẽ làm trầm trọng hóa tình hình.
Nền kinh tế Israel hứng chịu suy thoái
Nền kinh tế Israel là một trong những nạn nhân lớn nhất của cuộc xung đột ở Dải Gaza khi phải hứng chịu một đòn giáng mạnh ngay từ những ngày đầu của giao tranh vào tháng 10 năm ngoái. Hàng nghìn doanh nghiệp của nước này đã thiệt hại khi quân dự bị phải từ bỏ cuộc sống thường dân để cầm vũ khí và nền kinh tế của đất nước đang suy thoái với tốc độ đáng báo động. Chuyên gia Guzansky cảnh báo, tác động tàn phá của cuộc xung đột đối với nền kinh tế và xã hội Israel dự kiến sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thống kê, trong số 38 quốc gia thành viên, Israel đã cho thấy sự suy thoái kinh tế mạnh nhất trong khoảng thời gian từ tháng 4 - tháng 6 năm nay.
Cũng theo dữ liệu của OECD, nền kinh tế Israel đã suy thoái 4,1% trong những tháng đầu của cuộc xung đột và tiếp tục suy thoái, mặc dù với tốc độ chậm hơn, trong suốt quý đầu tiên và quý thứ 2 của năm 2024. Ngược lại, chi tiêu quân sự của Israel tăng vọt, hiện chiếm gần 13% GDP của Israel, cao hơn nhiều so với mức phân bổ ngân sách quốc phòng thường niên trước đây là 4,5% - 6,5% GDP.
Việc mở rộng xung đột cũng đã tác động đến xếp hạng tín dụng của Israel, khiến việc vay nợ trở nên tốn kém hơn. Nhiều tổ chức xếp hạng tín dụng đã hạ bậc tín nhiệm của quốc gia này kể từ khi IDF bắt đầu xúc tiến chiến dịch quân sự chống Hamas ở Gaza. Tháng trước, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's cảnh báo, một cuộc xung đột toàn diện với Hezbollah hoặc Iran có thể gây ra "hậu quả tín dụng đáng kể đối với các bên phát hành nợ của Israel".
Cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp
Giới quan sát đánh giá, một mặt trận xung đột thứ 2, đặc biệt là mặt trận có khả năng gây tổn hại nhiều hơn cho Lebanon so với Israel, có thể là giọt nước tràn ly đối với nhiều quốc gia phản đối chiến dịch quân sự của Tel Aviv ở Gaza.
Sự đồng cảm toàn cầu mà Tel Aviv từng nhận được ngay sau vụ đột kích đẫm máu của các tay súng Hamas vào lãnh thổ Israel vào ngày 7/10/2023 đã chuyển thành làn sóng chỉ trích gay gắt do hậu quả tàn khốc của các hoạt động quân sự của IDF ở Gaza. Theo hãng thông tấn Al Jazeera, tính đến ngày 25/9, cuộc xung đột đã khiến ít nhất 41.467 người Palestine, bao gồm gần 16.500 trẻ em, thiệt mạng và khoảng 96.000 người khác bị thương. Israel giờ đây còn phải đối mặt với các cáo buộc về tội ác chiến tranh và diệt chủng tại các tòa án quốc tế, điều nước này kiên quyết phủ nhận.
Trong nước, người Israel từng thể hiện mong muốn chiến đấu lớn hơn khi bắt đầu cuộc xung đột ở Gaza, nhưng các cuộc thăm dò mới cho thấy sự ủng hộ này đã giảm dần trong những tháng gần đây.
Người Israel cũng chia rẽ về sự ủng hộ dành cho cuộc chiến chống Hezbollah của IDF. Một cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu dân chủ Israel công bố hồi tháng 7 hé lộ, 42% người dân nước này cho rằng Tel Aviv nên theo đuổi một thỏa thuận ngoại giao với nhóm vũ trang ở Lebanon, bất chấp khả năng xảy ra thêm một cuộc xung đột trong tương lai. Trong khi đó, chỉ 38% số người được hỏi tin IDF nên theo đuổi một chiến thắng quân sự trước Hezbollah, ngay cả khi phải trả giá bằng thiệt hại đáng kể cho các khu vực dân sự.
Bất chấp sự chia rẽ, cuộc thăm dò cho thấy hiện ít người Israel ủng hộ cuộc xung đột với Hezbollah hơn so với khảo sát cuối năm ngoái. Đa số các ý kiến đều nhất trí rằng, thêm một cuộc xung đột toàn diện nữa ở nước láng giềng sẽ “lợi bất cập hại” với Israel.