Hãng thông tấn Aljazeera trích dẫn tuyên bố hôm nay (21/9) của Hezbollah cho biết, ngoài chỉ huy Ibrahim Aqil, phó lãnh đạo lực lượng biệt kích Radwan của nhóm vũ trang Hồi giáo này đang bị Mỹ truy nã vì liên quan đến vụ đánh bom đại sứ quán ở thủ đô Lebanon năm 1983, một chỉ huy cấp cao khác của lực lượng Radwan là Ahmed Wahbi cũng bị hạ sát khi các tiêm kích Israel oanh tạc một tòa nhà ở ngoại ô phía nam Beirut hôm 20/9.
Hiện trường vụ không kích của Israel vào ngoại ô Beirut ngày 20/9. Nguồn: The Guardian
Bộ Y tế Lebanon thống kê, tổng cộng đã có 31 người, bao gồm cả 3 trẻ em, thiệt mạng và 66 người khác bị thương trong vụ không kích nói trên. Lực lượng cứu hộ và các nhân viên y tế đã nỗ lực làm việc xuyên đêm để tìm cứu những nạn nhân còn sống sót và đưa các thi thể ra khỏi đống đổ nát của tòa nhà bị sập.
Theo truyền thông Israel, một "nguồn tin tình báo đáng tin cậy" đã cung cấp thông tin cho quân đội Israel về cuộc họp được lên kế hoạch của các lãnh đạo cấp cao thuộc lực lượng Radwan, dẫn đến vụ tấn công đẫm máu nói trên.
Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza đã bày tỏ sự thương tiếc trước cái chết của các chỉ huy cấp cao Hezbollah, đồng thời cảnh báo Israel sẽ phải trả giá.
Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 20/9 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc sau các vụ không kích của Israel thủ đô Lebanon, đồng thời kêu gọi tất cả các bên “kiềm chế tối đa”.
Hội đồng Bảo an LHQ trước đó đã họp khẩn sau vụ nổ hàng loạt thiết bị liên lạc cầm tay của Hezbollah ở Lebanon đầu tuần này, khiến ít nhất 37 người, bao gồm cả dân thường đã thiệt mạng và khoảng 3.000 người khác bị thương. Trưởng ban Nhân quyền LHQ Volker Turk lên án các vụ tấn công như vậy là vi phạm luật pháp quốc tế.
Tel Aviv hiện vẫn chưa lên tiếng về sự việc. Tuy nhiên, Hezbollah và chính phủ Lebanon cáo buộc tình báo và quân đội Israel đứng sau loạt tấn công này.