VKS xác định, tổng số tiền Phan Quốc Việt đưa hối lộ là hơn 106 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo gây thiệt hại hơn 1.235 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước hơn 431 tỷ đồng.
Chiều nay 12/1, HĐXX vụ Việt Á sẽ tuyên án 38 bị cáo về 6 nhóm tội: Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Theo quan điểm luận tội của đại diện VKS, lợi dụng chủ trương của Nhà nước về việc giao các đơn vị chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt đã thông đồng, cấu kết với bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN) để bị cáo này tác động đến ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN), Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) quyết định cho Công ty Việt Á được phối hợp thực hiện Đề tài nghiên cứu chế tạo test xét nghiệm trái pháp luật.
Với mục đích được sản xuất, bán test xét nghiệm thu lời bất chính, Phan Quốc Việt tiếp tục cấu kết với bị cáo Hùng, Nguyễn Văn Trịnh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng), Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) cùng thư ký của ông Long là Nguyễn Huỳnh và các bị can khác thực hiện nhiều hành vi sai phạm giúp Việt Á được kiểm định test xét nghiệm; được nghiệm thu giai đoạn 1 của Đề tài, nhằm mục đích lập hồ sơ gửi Bộ Y tế xin cấp số đăng ký lưu hành.
Chuỗi hành vi trên của các bị cáo đã biến test xét nghiệm từ sản phẩm thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm của Việt Á.
Để thuận lợi cho việc bán sản phẩm test xét nghiệm trên cả nước, Phan Quốc Việt còn cấu kết với các bị cáo thuộc Bộ KH&CN để được đề nghị tặng bằng khen đánh bóng hình ảnh, thương hiệu cho test xét nghiệm.
Bị cáo Việt cũng cấu kết với với các bị cáo thuộc Bộ Y tế để được hiệp thương theo giá đã được nâng khống, chậm kiểm tra giá hiệp thương để tạo mặt bằng giá test xét nghiệm thu lời bất chính.
Để được các đồng phạm can thiệp giúp đỡ như nêu trên, Phan Quốc Việt đã thỏa thuận ăn chia, đưa tiền hối lộ, tiền cảm ơn nhiều lần, với tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng.
Để tiêu thụ test xét nghiệm tại nhiều địa phương với số lượng lớn và được thanh toán theo giá đã từng nâng khống, Phan Quốc Việt cùng cấp dưới đã thông đồng, cấu kết với lãnh đạo, nhân viên các cơ sở y tế công lập thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật về đấu thầu, ứng hàng sử dụng trước, hợp thức thủ tục, hồ sơ thanh toán sau theo đơn giá mà Công ty Việt Á đưa ra trái quy định.
Quá trình tiêu thụ test xét nghiệm, Phan Quốc Việt chỉ đạo nhân viên tính toán và chi tiền % ngoài hợp đồng; trực tiếp chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ hơn 34 tỷ đồng cho nhiều lãnh đạo, nhân viên tại các cơ sở y tế công lập trên phạm vi cả nước.
Tổng số tiền bị cáo Việt đưa hối lộ là hơn 106 tỷ đồng. Hành vi của Phan Quốc Việt bị VKS cáo buộc gây thiệt hại hơn 1.235 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước hơn 431 tỷ đồng.
Theo đại diện VKS, vụ Việt Á là điển hình cho “nhóm lợi ích” và “thông đồng cấu kết tham nhũng có hệ thống". Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng, sức khoẻ của người dân, Đảng, Chính phủ và toàn dân phải nỗ lực, gồng mình để chống chọi, hạn chế lây lan và ngăn ngừa dịch bệnh, thì một bộ phận lãnh đạo cấp cao tại các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã cấu kết thông đồng với doanh nghiệp, lợi dụng tình hình dịch bệnh để hưởng lợi ích nhóm, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.
Việc này đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và cá nhân, làm cho một bộ phận cán bộ, công chức bị thoái hoá biến chất, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Tại phiên tòa xét xử vụ Việt Á, khi được quyền nói lời sau cùng, các bị cáo bày tỏ ân hận, đau xót, nuối tiếc vì phải mất vài chục năm cống hiến, gây dựng sự nghiệp, tạo hình ảnh tốt đẹp, nhưng chỉ trong chớp mắt tất cả đã “tan biến”.