Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan phê duyệt, triển khai 43 đề tài quốc gia với 4 nội dung (ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý tài nguyên và môi trường; nghiên cứu cơ sở khoa học đối với những vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành và liên vùng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; lựa chọn và hỗ trợ chuyển giao các kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu thuộc Chương trình giai đoạn 2011-2015).

{keywords}
Ảnh minh họa

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, các đề tài nghiên cứu của chương trình có khả năng thực tiễn cao, có thể ứng dụng để bảo vệ môi trường.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, vì vậy Chương trình góp phần thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, chương trình cũng đã đóng góp cho việc xây dựng, dư thảo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mới được thông qua.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang đứng trước những thách thức lớn và diễn biến quá nhanh, khó lý giải, do đó cần thiết phải đẩy mạnh hành động.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, chìa khóa để giải quyết những vấn đề này chính là khoa học công nghệ, vì vậy trong thời gian tới, tiếp tục tư duy, hoàn thiện “những đứa con tinh thần” để đưa nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tiễn, chuyển hóa thành năng lực quản lý để có thể tác động góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tài nguyên, môi trường và kinh tế xã hội.

Kiều Oanh - Tuệ Minh