LỜI TÒA SOẠN

Sau đại dịch Covid-19, hầu hết bệnh viện công từ tuyến cơ sở đến trung ương ở Việt Nam đều rơi vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. 

Sáng 1/11, trả lời trong phiên thảo luận Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhận định nguyên nhân chủ quan là hệ thống văn bản pháp luật còn bất cập. Việc tổ chức mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa kịp thời, đặc biệt là có tâm lý e ngại sợ sai của một số cá nhân, đơn vị và địa phương.

VietNamNet đăng tải tuyến bài Vì sao tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gỡ mãi vẫn rối? để phản ánh câu chuyện thực tế từ các bệnh viện tuyến trung ương đến cơ sở.

Kỳ 1: Không giám đốc nào muốn bị bêu, bệnh nhân phàn nàn vì thiếu thuốc, vật tư y tế

Kỳ 2: 'Cha tôi 3 lần phải tự mua vật tư y tế, xách vào phòng mổ'

Hơn 400 bệnh viện báo cáo thiếu thuốc cục bộ

Báo cáo giải trình trước Quốc hội về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, hôm 1/11, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận vấn đề này không phải là hiện tượng mới mà xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch.

“Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ riêng ngành y tế khó khăn về thuốc và trang thiết bị vật tư, mà nhiều ngành khác cũng gặp khó khăn về mua sắm và đầu tư công”, bà Lan nói.

Người đứng đầu ngành Y tế cho biết theo báo cáo của 1.078 cơ sở y tế trên toàn quốc trong tháng 10, có hơn 38,5% đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu thuốc cục bộ, số còn lại báo cáo đã đủ cung ứng.

Bộ trưởng Y tế cho rằng nguyên nhân chủ quan là hệ thống văn bản pháp luật còn bất cập. Bà cũng đề cập đến việc tổ chức mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa kịp thời, đặc biệt có tâm lý e ngại sợ sai của một số cá nhân, đơn vị và địa phương.

Lãnh đạo một số bệnh viện nhìn nhận đang gặp khó khăn trong việc mua sắm đầu tư công. Gần nhất, câu chuyện nhiều bệnh viện ở đồng bằng sông Cửu Long thiếu máu điều trị trên diện rộng do chậm mua sắm túi đựng máu và hóa chất xét nghiệm máu, khiến bệnh nhân thiệt thòi hàng tháng trời.

Tại một số bệnh viện ở Đông Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên, bệnh nhân phải mua găng tay, dao mổ, dịch truyền, thậm chí cả tấm vải xanh trải trên bàn phẫu thuật cũng phải tự mua để bác sĩ sử dụng cho ca mổ.

Hiện các bệnh viện đang vận dụng nhiều cách để đấu thầu mua sắm, khắc phục tình trạng thiếu, bằng nhiều cách khác nhau.

Bệnh viện Trung ương Huế là cơ sở y tế hạng Đặc biệt, mỗi ngày có tới 5.000 bệnh nhân nội trú, khoảng 200 ca mổ mỗi ngày. Điều này cho thấy nhu cầu về thuốc, vật tư tiêu hao và sinh phẩm rất lớn. Bác sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện, khẳng định hiện cơ sở đáp ứng được nhu cầu này. 

trunguonghue2.jpeg
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: BVCC

Chia sẻ về cách vận dụng các phương án mua sắm, ông Hiệp dẫn chứng khi có kết quả thầu rộng rãi, bệnh viện đã chuẩn bị ngay kế hoạch đấu thầu đợt mua sắm sắp đến hoặc trong năm tới, có dự báo về tình hình bệnh nhân, trang thiết bị, kỹ thuật…

Ông Hiệp cũng cho biết quá trình đấu thầu có thể thiếu một vài mặt hàng, loại thuốc, bệnh viện sẽ lọc mặt hàng đó ra để mua sắm trực tiếp; chào hàng cạnh tranh, hoặc chỉ định thầu rút gọn theo đúng thẩm quyền và giá để kịp thời có đủ thuốc, hóa chất, vật tư trong thời gian chờ đấu thầu rộng rãi.

“Trong trường hợp thiếu thuốc, vật tư, do đứt gãy nguồn hàng hay thiếu nhà cung cấp, bệnh viện sẽ vận dụng các cơ sở phù hợp quy định để đảm bảo", bác sĩ Hiệp chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cho hay sau 3 năm đại dịch Covid-19, thiếu thiết bị y tế chuyên sâu, trang thiết bị y tế cơ bản xảy ra cục bộ tại một số đơn vị. Trong đó có hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn trong công tác đấu thầu, quản lý dự án đấu thầu, quản lý vật tư… 

Vừa qua, một số đơn vị chưa đấu thầu mua sắm được biệt dược, đặc biệt thuốc liên quan tới gây nghiện, gây mê. Theo ông Hoàng, nguyên nhân là chưa nắm được nguyên tắc trong đấu thầu. 

“Trong trường hợp những thuốc liên quan tới cấp cứu, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện theo hình thức chỉ định thầu (dưới 50 triệu đồng)”, ông Hoàng nói. Đồng thời, xây dựng các buổi đấu thầu cho 8 loại thầu theo quy định hiện hành, áp dụng các biện pháp phù hợp, đúng luật. 

Theo vị giám đốc này, lãnh đạo các đơn vị phải phân cấp phân quyền, chủ động lên kế hoạch đấu thầu từ sớm cho từng năm để có thời gian chuẩn bị, tránh các yếu tố khách quan. Ví dụ tháng 5-6 đã phải chuẩn bị danh mục để cuối năm đấu thầu. Cùng đó, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa cho bộ phận đấu thầu. Ngoài ra, phải nâng cao công tác dược lâm sàng, sử dụng các thuốc cùng nhóm để thay thế cho các thuốc không trúng thầu.

Bệnh viện phải có bộ phận nắm vững lĩnh vực đấu thầu 

Không chỉ trong phần báo cáo giải trình trước Quốc hội hôm 1/11, khi nói về nguyên nhân bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhiều lần thừa nhận "có tâm lý e ngại sợ sai của một số cá nhân, đơn vị và địa phương”.

Lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng nhiều cán bộ làm bài thầu lo lắng, sợ chịu trách nhiệm. “Cái lo nhất là không biết mình làm chưa đúng”, bác sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nói. 

phau-thuat-chinh-hinh-1.jpg

Thầy thuốc Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật nội soi điều trị cho bệnh nhân, ngày 20/10. Ảnh: BVCC

Một phần của nỗi sợ, theo ông Hùng là do chưa hiểu biết đầy đủ về đấu thầu. Để giải quyết nỗi sợ này, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) yêu cầu tập hợp những vấn đề khúc mắc chưa hiểu rõ khi làm thầu từ tất cả bộ phận. Trong tuần này, bệnh viện mời chuyên gia cao cấp về đấu thầu đến giúp tháo gỡ, tư vấn, giải đáp. Một số gói thầu của viện này đã phải thuê tư vấn. 

“Cá nhân tôi không sợ làm thầu vì làm đúng quy định, không có tư lợi”, ông Hùng chia sẻ. Vị lãnh đạo này nhấn mạnh bài học tổ chức làm thầu bằng trí tuệ tập thể, nếu không tinh thông thì có các chuyên gia tư vấn, vì thế nên không quá ngại.

Còn theo bác sĩ Phạm Như Hiệp, công tác mua sắm đấu thầu trong bệnh viện từ trước tới nay có rất nhiều quy định và quy chế, đòi hỏi bám sát chặt chẽ. “Nếu khách quan, công tâm và đảm bảo tính trung thực thì không có gì phải lo lắng”, ông Hiệp khẳng định.  

Theo ông Hoàng, những bác sĩ kỳ cựu nắm rõ được lĩnh vực đấu thầu, nhưng cũng có người mới được phân công thì chưa tự tin làm. Vì vậy, một bệnh viện phải có những người nắm vững liên quan tới lĩnh vực đấu thầu để phục vụ bệnh viện, bệnh nhân.

Để chuẩn bị từ sớm, từ xa, bệnh viện này thành lập Phòng Quản lý dự án đấu thầu. Nhiệm vụ chính là tập trung cho công tác đấu thầu, nghiên cứu các văn bản về đấu thầu; giảng dạy, tập huấn, phổ biến kiến thức tới các bác sĩ, nhân viên y tế liên quan tới đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế.

“Tôi đã cho một số bệnh viện mượn đề án xây dựng các hình thức đấu thầu để họ tham khảo, có cơ sở làm chuẩn và làm đúng, không bao giờ gián đoạn về thuốc", ông Hoàng khẳng định.

Đề xuất kéo dài hiệu lực Nghị quyết 30

Tại TP.HCM, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho rằng Nghị quyết 30 của Chính phủ và Thông tư 14 của Bộ Y tế đã tạo hành lang pháp lý, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác đấu thầu, mua sắm. 

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này đề xuất xin gia hạn hiệu lực đến hết tháng 6/2024 (hiện chỉ có hiệu lực tới hết năm 2023). Bác sĩ Khanh lý giải khi Luật Đấu thầu mới có hiệu lực (từ năm 2024) phải đợi văn bản hướng dẫn của Chính phủ cũng như Thông tư của Bộ Tài chính, Bộ Y tế… “Các hướng dẫn luật này sẽ mất thời gian khoảng vài tháng”, ông Khanh nói.

Theo bác sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, việc mua sắm máy móc, vật tư, thuốc cần có quy định mang tính chất đặc thù cho một nghề nghiệp đặc thù.

"Theo cách mua sắm của các nước, những mặt hàng có tính chất ảnh hưởng đến an ninh xã hội thì đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Đây là cách huy động được những gì tinh túy nhất trong mua sắm đấu thầu, có thể đàm phán được giá với giá thấp nhất, giúp các đơn vị y tế giảm thiểu nguy cơ rủi ro, sai sót, nhầm lẫn khi làm thầu", ông Hùng đề xuất.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong phần phát biểu trên nghị trường hôm 1/11, cũng đề nghị cần giao trách nhiệm chính cho người sử dụng sản phẩm đấu thầu, giao bệnh viện quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật và người bệnh…