Các tộc người thuộc 3 nhóm này cư trú tập trung đông ở các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu. Làng bản chủ yếu được dựng trên các triền núi cao hay lưng chừng núi, khí hậu thoáng mát, nhưng hiếm nước và giao thông đi lại khó khăn. Một vài nhóm Dao dựng làng ven các con sông, con suối.
Do sống tại địa hình như vậy nên bà con thường tự túc phần lớn nhu cầu cuộc sống, canh tác trên nương rẫy. Thông thường 1-2 tuần, thậm chí cả tháng, các cặp vợ chồng mới xuống núi đi chợ 1 lần.
Chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá mà còn là nơi gặp gỡ, giao tiếp, tìm bạn trăm năm. Mỗi tộc nguời có các nghi lễ cưới hỏi riêng nhưng phụ nữ khi sinh con được sự giúp đỡ của bà mụ hay mẹ chồng, chị em gái chồng. Trước và sau khi sinh con, phải kiêng cữ nhiều điều.
Hầu hết đàn ông các tộc người H’mông, Dao, Pà Thẻn biết rèn dao, cuốc, thuổng… và sửa chữa nông cụ. Riêng kỹ thuật tôi thép của họ đạt trình độ cao. Người ta có thể khoan thép cây thành nòng súng kíp, nòng súng hoả mai.
Cư dân vùng núi cao rất giỏi tìm kiếm và bào chế cây thuốc nam để chữa bệnh. Họ quan niệm: chết đi là được “sống” ở thế giới bên kia.Vì vậy, trong tang ma, đồng bào tổ chức các nghi lễ phức tạp đưa linh hồn người chết về nơi “quê cha đất tổ”, về cõi cực lạc.