Nhóm ngôn ngữ Hán gồm 3 tộc người: Hoa, Ngái, Sán Dìu, các tộc người này có nguồn gốc từ Trung Quốc, di cư đến Việt Nam từ lâu đời. Đồng bào cư trú từ các tỉnh biên giới Việt Trung đến các tỉnh Nam Bộ, từ miền núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị. Người Hoa tập trung đông ở các tỉnh và thành phố lớn như khu Chợ Lớn thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Cộng đồng này mang đậm nét phụ hệ. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua đời sống và dấu ấn văn hoá tộc ngườì.
Từ thời xa xưa, nhóm ngôn ngữ Hán đã nổi tiếng với nghề bốc thuốc bắc chữa bệnh cứu người. Đồng bào biết cách sử dụng các loại cây cỏ để bào chế thành những phương thuốc chữa bệnh. Các bài thuốc này phần lớn là bí truyền của dòng họ. Khi di cư đến vùng đất mới họ mở phòng bắt mạch, chẩn đoán bệnh và bốc thuốc cứu người rất có hiệu quả, giữ được chữ tín, nên các hiệu thuốc bắc của người Hoa rất phát triển.
Hội quán của người Hoa có nguồn gốc ban đầu là nơi dừng chân tạm trú của người Hoa mới đến Việt Nam. Trong lúc không nơi nương tựa những người đồng hương ở đây đón tiếp và lưu lại Hội quán. Từ đó họ sẽ được tạm trú và được đồng hương của mình giúp đỡ, kiếm kế sinh nhai, công việc, nơi cư trú. Về sau, Hội quán dần trở thành nơi quy tụ các nhóm người Hoa địa phương. Hội quán cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng.