Thông tin tại họp báo về lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột diễn ra tại TP.HCM hôm nay (3/2), ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,7 triệu tấn cà phê, thu về khoảng 4 tỷ USD.

Với chiến lược cà phê gắn với phát triển bền vững, lượng xuất khẩu cà phê thô của Việt Nam dần sẽ giảm; ngược lại, tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu như cà phê hòa tan, cà phê rang xay sẽ tăng.

"Năm ngoái, giá trị sản phẩm cà phê chế biến sâu chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là bước tiến lớn, giới doanh nghiệp ngoài xuất khẩu cà phê thô thì đang đầu tư, tạo ra sản phẩm chế biến sâu, nâng giá trị gia tăng. Chủ trương của Bộ NN-PTNT là tới năm 2030, trị giá sản phẩm chế biến sâu chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu", ông Hải nói.

Việt Nam sẽ giảm dần xuất khẩu cà phê thô. 

Tổng doanh số xuất khẩu của Trung Nguyên Legend trong năm 2022 là hơn 100 triệu USD (tương đương hơn 2.300 tỷ đồng).

Tập đoàn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ tham vọng đóng gói cà phê sữa đá Việt đưa ra thị trường thế giới. Trong đề án xây dựng TP. Buôn Ma Thuột với tầm nhìn 5 năm, nơi đây được kỳ vọng thành điểm đến cà phê của thế giới.

“Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022” do iPOS công bố mới đây cho hay, quy mô thị trường cà phê Việt Nam đạt hơn 10.845 tỷ đồng vào năm 2022; dự kiến đạt 11.779 tỷ đồng năm 2023 và hướng tới 15.837 tỷ đồng vào năm 2027.

Báo cáo trên nhận định, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, hiện trạng dân số đang tăng nhanh, đặc biệt, với dân số trẻ cùng văn hóa cà phê nở rộ, thị trường cà phê Việt có nhiều cơ hội phát triển, tăng trưởng mạnh.