Lọc hoá dầu Bình Sơn lãi hơn 14,4 nghìn tỷ đồng

Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã: BSR) báo cáo tài chính quý IV/2022 với lợi nhuận đạt gần 1.500 tỷ đồng, thay vì dự báo lỗ trước đó. Theo đó, doanh thu thuần của BSR đạt 40.430 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh tài chính tăng 2,7 lần so với cùng kỳ, đem về cho BSR doanh thu 648 tỷ đồng.

Theo giải trình của BSR, trong tháng 12/2022 giá dầu thô giảm dần dẫn đến kết quả kinh doanh quý IV/2022 không được thuận lợi như cùng kỳ. Khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm dầu quý này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, trong khi khoảng cách giá dầu thô và sản phẩm xăng, polypropylene lại thấp hơn nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của BSR.

Về kết quả kinh doanh cả năm 2022, doanh thu thuần của BSR đạt 167.123 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 14.450 tỷ đồng, tăng 115% so với năm trước đó.

“Ông lớn” công nghệ FPT lợi nhuận đạt 6,4 nghìn tỷ đồng

Trong khi đó, Công ty Cổ phần FPT (mã: FPT) quý cuối cùng của năm 2022 đạt hơn 13.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 30% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 1.619 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế cả năm 2022, FPT đạt 44.000 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 6.476 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo FPT, khối công nghệ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 58% doanh thu và 48% lợi nhuận trước thuế. Trong đó, doanh thu dịch vụ CNTT tại nước ngoài đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 30,2%, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.900 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2021.

Các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, như Bắc Mỹ tăng tăng 50%, châu Á - Thái Bình Dương tăng 36,4%. Tại thị trường Nhật Bản, mặc dù chịu tác động giảm giá của đồng yên nhưng doanh nghiệp cũng đạt tăng trưởng 16%.

Trong năm 2022, cổ phiếu FPT ghi nhận mức tăng đột biến hồi tháng 4, từ mức 77.000 đồng/cp tăng lên mức 94.000 đồng/cp. Năm qua, cổ phiếu FPT trụ vững trước tác động đi xuống mạnh của toàn thị trường. Kết thúc năm 2022, cổ phiếu FPT vẫn duy trì ở mức cao, đạt hơn 80.000 đồng/cp. 

Vinhomes lợi nhuận 29 nghìn tỷ

Tuy kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Vinhomes (mã: VHM) giảm so với năm trước do thị trường bất động sản năm 2022 nhiều khó khăn, nhưng doanh thu và lợi nhuận vẫn thuộc hàng cao nhất doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2022.

Theo đó, doanh thu quý IV/2022 của VHM giảm 34% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 31.000 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8.900 tỷ đồng, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2021. 

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu của VHM đạt hơn 62.000 tỷ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 29.000 tỷ đồng, giảm 25,5% so với cả năm 2021.

Doanh thu Vinhomes đạt 62.000 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 29.000 tỷ đồng. (Ảnh: Vinhomes)

Hoạt động bán hàng năm 2022 của VHM hồi phục mạnh mẽ sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với giá trị hợp đồng ký mới trong năm 2022 (doanh số) đạt mức kỉ lục 128.200 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2021. Nhờ đó, doanh số chưa bàn giao đạt mức 107.600 tỷ đồng, tăng 105% so với thời điểm cuối năm 2021, giúp đảm bảo doanh thu và lợi nhuận trong các quý tới trong bối cảnh thị trường chung có nhiều thách thức.

Năm 2022, cổ phiếu VHM giảm do tác động chung của toàn thị trường, giảm từ mức hơn 80.000 đồng/cp hồi cuối tháng 2 xuống mức thấp nhất là hơn 40.000 đồng/cp hồi tháng 11. Hiện, thị giá VHM phục hồi về mức 50.000 đồng/cp.

Hóa chất Đức Giang lãi hơn 6 nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, doanh thu thuần của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã: DGC) đạt hơn 3.111 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.234 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhưng nhờ sản lượng sản xuất tăng, doanh thu các mặt hàng tăng, giá bán tăng, doanh thu lũy kế cả năm của DGC đạt 14.444 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn chỉ tăng 20,52% nên lợi nhuận gộp tăng 113%. Sau khi khấu trừ, lợi nhuận sau thuế của DGC lãi kỷ lục hơn 6.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2021.

DGC là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về phốt pho vàng, axit photphoric, phân lân tại Việt Nam. Trong đó, phốt pho vàng và axit photphoric điện tử - sản phẩm từ phốt pho vàng hiện cũng là nguyên liệu thô quan trọng trong quá trình sản xuất chất bán dẫn.

Năm 2022, giá cổ phiếu DGC đạt mức đỉnh là 132.000 đồng/cp hồi tháng 6, sau đó giảm xuống mức thấp nhất là 52.000 đồng/cp hồi tháng 11. Hiện thị giá cổ phiếu DGC quanh mức 60.000 đồng/cp.