Báo cáo Quốc hội về công tác bảo đảm an toàn thông tin (ATTT), Chính phủ cho biết, thời gian qua cơ quan chức năng đã chú trọng phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng, theo đó cấp mới Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng cho 41 doanh nghiệp, nâng số doanh nghiệp được cấp phép  lên 87 doanh nghiệp.

Liên minh phát triển an toàn, an ninh mạng Việt Nam cũng đã được thành lập với sự tham gia của 21 doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng nội địa, đồng thời đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh mạng.

{keywords}
 Ảnh minh họa

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia đã kết nối, chia sẻ thông tin với 55 bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ giám sát mã độc và an toàn thông tin cho trên 100.000 máy tính của các cơ quan, tổ chức nhà nước. Tổ chức 2 chiến dịch rà quét, bóc gỡ mã độc cho thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TTTT thực hiện giám sát gián tiếp cho Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức nhà nước.

Cụ thể, cơ quan này đã đánh giá an toàn, an ninh mạng cho gần 300 cổng/trang thông tin điện tử trên cả nước. Giám sát từ xa cho 85 cơ quan, trực tiếp 15 cơ quan tại 23 điểm.

Cấp tài khoản giám sát kỹ thuật và tài khoản giám sát thông tin trên hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho 63 Sở TTTT. Liên tục theo dõi, phát hiện, phân tích để kịp thời cảnh báo tới các đơn vị bị sự cố.

Theo Chính phủ, trong năm 2019, đã phát hiện 5.176 đợt tấn công mạng, bao gồm: Phishing (website lừa đảo), Deface (tấn công thay đổi giao diện) và Malware (phát tán mã độc) vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam dẫn đến sự cố, giảm 49,35% so với năm 2018.

9 tháng đầu năm 2020 phát hiện 3.579 cuộc tấn công mạng, giảm 9,02% so với cùng kỳ năm 2019. Kịp thời gửi thư điện tử và công văn cảnh báo (đối với cơ quan nhà nước) yêu cầu đơn vị nhiễm sự cố rà soát, xử lý triệt để, tránh lây lan cho cộng đồng.

Trong bảng xếp hạng quốc tế về an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá, Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, từ thứ hạng 100 năm 2017 lên thứ hạng 50 năm 2019. Trong bảng xếp hạng do Kaspersky công bố, Việt Nam cũng được đánh giá là có số lượng mã độc di động thấp thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.

Nêu khó khăn, Chính phủ cho biết, hệ sinh thái sản phẩm ATTT của Việt Nam còn thiếu. Sản phẩm nội địa chưa có được nhiều thị phần. Phần lớn các cơ quan, tổ chức vẫn đang sử dụng sản phẩm nước ngoài là chủ yếu.

Trong khi đó, các doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc kết nối, tương thích các sản phẩm của nhau để tạo nên hệ sinh thái sản phẩm nội địa đầy đủ, hiệu quả. Nhân lực an toàn, an ninh mạng chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước…

Tới đây, Chính phủ sẽ ưu tiên bổ sung biên chế, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thông tin từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan chuyên trách về bảo đảm an toàn thông tin để thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kịp thời nắm bắt thông tin, xử lý nhanh chóng khi có sự cố mất an toàn thông tin.

Tiếp tục tổ chức các chiến dịch rà quét, xử lý mã độc trên diện rộng. Đẩy mạnh kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin về tấn công mạng, mã độc giữa Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc. Hình thành mạng lưới quốc gia về giám sát, cảnh báo sớm, hỗ trợ xử lý mã độc và tấn công mạng…

Hoài Linh