Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV tới đây sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu. Đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa để đánh giá hiệu quả công việc ở các vị trí chủ chốt, cũng là dịp chúng ta lắng nghe ý kiến của cử tri, rà soát công tác cán bộ, từ đó, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm đối với những vị trí này.

Tôi nhận thấy, sau mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm, ý thức trách nhiệm và tinh thần phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao càng được thể hiện rõ ràng hơn. Nhờ vậy, chẳng những hình ảnh, uy tín bản thân của các chức vụ được bầu được củng cố mà công việc chung của đơn vị, ngành và cả đất nước cũng được lợi rất nhiều.

Tuy nhiên, nếu chúng ta làm rộng hơn, lan tỏa đến các vị trí khác trong hệ thống hành chính công, từ cấp trung ương tới cấp xã – phường, ở trong Đảng cho đến cả các đơn vị sự nghiệp, thì hành động tiên phong, quyết liệt của Quốc hội sẽ có hiệu quả cao hơn nữa, tránh tình trạng "trên nóng dưới lạnh", cán bộ được bầu, bổ nhiệm “ngủ yên” trong cả nhiệm kỳ, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, giúp lựa chọn đúng người có tài, có đức gánh vác nhiệm vụ quan trọng của từng đơn vị và của đất nước.

Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV 

Cùng với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cũng là một công việc cần thiết.

Dù vậy, khi công cuộc này đang được thực hiện quyết liệt, đã và đang xảy ra tình trạng “thủ thế chờ thời”, tạo ra sức ì cho cả bộ máy, có thể gây hậu quả đối với sự phát triển chung của đất nước.

Là một đại biểu Quốc hội, tôi rất trăn trở với thực trạng ở rất nhiều cơ quan, địa phương đang có nhiều biểu hiện né tránh, chờ đợi, lấy “an toàn là bạn” trong khi nhiệm vụ xây dựng đất nước đang cần những con người quyết liệt, mạnh mẽ, vì nước, vì dân.

Công tác quy hoạch, bầu cử, bổ nhiệm của chúng ta có nhiều cải thiện, thực hiện tương đối chặt chẽ nhưng không ít cán bộ sau khi được bầu, bổ nhiệm đã không đáp ứng được kỳ vọng, có hiện tượng ngồi nhầm chỗ, thay đổi bản thân theo hướng tiêu cực, có tâm lý hưởng thụ, quan cách khi đạt được vị trí.  

Nhiều người, sau khi được bổ nhiệm, không những không tạo ra bước tiến mới cho đơn vị, đột phá, dám nghĩ, dám làm mà còn ngủ yên, thậm chí “ngủ đông” chờ cơ hội. Tuy nhiên, họ vẫn an toàn đến hết nhiệm kỳ, và cán bộ công chức, viên chức dưới quyền, thậm chí là cả người dân, nhiều khi phải cay đắng đợi họ kết thúc nhiệm kỳ, mà với người chờ đợi thì quãng thời gian đó dài dằng dặc.

Điều này vừa gây tâm lý ức chế, tiêu cực đối với nhà đầu tư, người kinh doanh, người dân, vừa tạo không khí căng thẳng trong chính các cơ quan, tổ chức. Đây là tín hiệu đáng báo động đối với nền hành chính công hiện đại đề cao giá trị dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.

Ông cha ta đã từng nói ví von “Quan thì xa, bản nha thì gần”. Câu nói này được hiểu theo nhiều nghĩa, trong đó có thể liên hệ với thực tại, công tác cán bộ không chỉ là công việc của cấp trên mà còn là công việc của cấp dưới, những người gần với “bản nha” nhất, khi mà “quan” thì ở quá xa, khó lòng nghe được ý kiến của họ.

Những ý kiến của cán bộ công chức, viên chức đối với lãnh đạo của mình, dù không phải là tất cả, nhưng cũng là kênh thông tin quan trọng để chúng ta đánh giá, xem xét, sắp xếp, bố trí cán bộ.

Để tránh tình trạng này xảy ra, tôi nghĩ rằng, cần phải có cơ chế rà soát, đánh giá chất lượng cán bộ ngay từ các cấp cơ sở. Ở đó, chúng ta sẽ phát huy được sức mạnh dân chủ, tạo cho cán bộ công chức, viên chức có tiếng nói phản hồi với những người được bầu, được bổ nhiệm.

Chính cán bộ công chức, viên chức tại cơ sở là những người hiểu rõ nhất lãnh đạo của mình. Cũng chính nhờ áp lực từ cấp dưới, chứ không chỉ từ cấp trên, sẽ tránh được tình trạng cán bộ “nịnh trên, nạt dưới”, chỉ biết cách đối phó với cấp trên bằng những báo cáo thành tích, lời lẽ hoa mỹ; giúp cán bộ gắng sức nhiều hơn trong công việc, quan tâm nhiều hơn đến cấp dưới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngày 18 tháng 11 năm 2022, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: “Tôi đã nói nhiều lần rồi, ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm”.

Tôi nghĩ, đây phải được xem là quan điểm xuyên suốt để chúng ta lựa chọn cán bộ trong tình hình mới. Ở đó, một cán bộ có tài đức, được nhân dân tín nhiệm, biết cách hy sinh vì lợi ích chung, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mới có thể gánh vác, đảm đương nhiệm vụ được giao, giúp thúc đẩy, nâng cao hiệu quả của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và giúp đất nước của chúng ta cất cánh.

Chúng ta không mong muốn tạo ra, nhìn thấy hình ảnh của các ông “quan cách mạng”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo; chúng ta cần những con người hành động dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai của đất nước.

Chính vì thế, xem xét, đánh giá cán bộ ngay từ cơ sở thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm theo định kỳ cần phải được xem là việc “cần làm ngay”.

Bùi Hoài Sơn (Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Thành phố Hà Nội)