Từ việc nhỏ, đến việc lớn đều phải xin ý kiến cấp trên, cấp trên lại xin ý kiến cấp trên nữa, rồi cấp trên lại trình ra xin ý kiến tập thể. Do đó, nhiều dự án đã không thể thực hiện được.

6 tháng và 4 năm

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group – doanh nghiệp tư nhân tiên phong trong lĩnh vực phát triển truyền tải điện – có một bí quyết kinh doanh mà không ít doanh nghiệp nhà nước cần học hỏi. Đó là khát vọng và sự tự chủ. “Doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi rất năng động, dám suy nghĩ, dám làm”, ông nói khi được hỏi về chủ trương của Bộ Chính trị khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân vào phát triển điện qua Nghị quyết 55.

Trung Nam đang có trạm biến áp 500kV mà doanh nghiệp tư nhân này nói, chỉ mất 6 tháng để xây dựng trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một doanh nghiệp nhà nước, phải mất 4 năm để hoàn thành. “Nói điều này không phải là vì tư nhân hay hơn, mà bởi EVN, dù có tiềm lực tài chính, nhưng họ chưa dám làm vì có quá nhiều quy trình cản trở. Còn tư nhân nghĩ ngay, làm ngay”, ông nói tại Diễn đàn Cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020 được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức cuối tuần trước tại Hà Nội.

Phát biểu của lãnh đạo Trung Nam Group, đáng ngạc nhiên, không làm phật lòng lãnh đạo EVN, người khi được hỏi đã nói: “Ông ấy nói đúng. Đó là sự thật và chúng tôi phải nhìn vào sự thật đó”.

{keywords}
Cùng dự án điện mà doanh nghiệp tư nhân thực hiện mất 6 tháng, còn doanh nghiệp nhà nước mất 4 năm?

Doanh nghiệp tư nhân tự quyết, tự chịu trách nhiệm với vốn đầu tư của mình nên họ có thể đưa ra các quyết định kinh doanh nhanh chóng và linh hoạt. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ rất nhiều thủ tục và quy trình, phụ thuộc vào rất nhiều bên, nên quá trình ra quyết định dài lê thê đối với các dự án phát triển.

Đường dây 500 kV mạch 3 là ví dụ rõ ràng nhất. Dự án này có vốn 12.000 tỷ đồng và được xếp vào dạng “công trình cấp bách” trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với mục tiêu truyền tải điện từ Trung tâm Điện lực Quảng Trạch lên hệ thống điện quốc gia. Được khởi công vào cuối năm 2018 và dự kiến đưa vào vận hành vào khoảng tháng 6/2020, nhưng đến nay dự án này vẫn còn đang được thi công ì ạch và mốc hoàn thành đã được kéo dãn vào cuối năm nay.

Do đường dây có chiều dài 742 km, với tổng số 1.606 vị trí cột, đi qua địa bàn 9 tỉnh, thành phố nên công việc giải phóng mặt bằng rất vất vả. Lãnh đạo địa phương nào không quyết liệt thì công việc đình đốn. Thậm chí tháng Sáu vừa qua, chủ đầu tư còn phải làm công văn gửi lãnh đạo một tỉnh trong dự án “cầu cứu, xin xỏ” được quan tâm hơn.

Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) Nguyễn Đức Tuyển than thở trên báo chí: ”Văn phòng Ban Chỉ đạo phát triển điện lực, EVN, EVNNPT và CPMB đã nhiều lần làm việc và báo cáo địa phương các cấp nhưng vẫn không được tháo gỡ”. “Chúng tôi có những dự án 2 năm chưa xong thủ tục chuyển đổi đất rừng”, ông nói.

Đất nước đang đối diện với nguy cơ thiếu điện nặng nề, Thủ tướng đang quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công vậy mà dự án lớn như thế này đến này vẫn ì ạch thì thật là đáng trách.

Giải phóng mặt bằng chỉ là một lý do

Chưa bao giờ giải ngân đầu tư công lại được Thủ tướng quan tâm đến vậy. Từ đầu năm nay, Thủ tướng đã tổ chức nhiều cuộc gặp để gây sức ép lên các chủ đầu tư là các bộ, ngành và địa phương trong bối cảnh nguồn lực cho phát triển ngày càng teo do dịch Covid-19 mà vốn ngân sách cho phát triển lại còn nhiều đến vậy, khoảng 1/3 trong tổng số vốn 2 triệu tỷ đồng cho giai đoạn 5 năm.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, dù giải ngân đã được tăng tốc nhưng tỉ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu. Có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Trong nhiều năm trước đây, chi đầu tư công thường vượt cao so với dự toán được Quốc hội phê duyệt. Chẳng hạn, năm 2016, Quốc hội dự toán chi 254.950 tỷ đồng cho đầu tư công, nhưng khi Quốc hội quyết toán, con số này vọt lên tới 296.451 tỷ đồng, vênh gần 42.000 tỷ đồng chứ không phải ít.

Vì sao cũng hệ thống quy định đó, luật pháp đó, thủ tục đó, con người đó mà năng lực giải ngân trước lại vượt so với hiện nay, mà con số của Bộ Tài chính nêu trên đã nói? Bế tắc nằm ở đâu trong toàn bộ quãng đời dự án, từ khâu phê duyệt, thẩm định, giải phóng mặt bằng, xây dựng, giải ngân?

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông Vận tải – ngành trong nửa đầu năm nay mới giải ngân được 35% trong tổng số vốn đầu tư công gần 40 nghìn tỷ đồng – nói trong hội nghị ngần đây của Chính phủ: “Mặt bằng không xong thì không làm được gì cả, nên nhân hội nghị này, rất mong Thủ tướng gửi một thông điệp mạnh mẽ với các địa phương”.

Bộ trưởng gây sức ép: “Nếu mặt bằng các địa phương không hoàn thành thì xử lý trách nhiệm địa phương vì nếu không có mặt bằng chúng tôi không làm được… Nếu chủ tịch các tỉnh không quyết liệt thì chậm và chúng tôi sẽ điều chuyển vốn. Điều đó khiến có khả năng là sẽ thiếu vốn và sắp tới sẽ là điểm bức xúc của địa phương. Do đó rất mong các địa phương thúc đẩy giải phóng mặt bằng”.

Lý giải của Bộ trưởng Giao thông, người nắm trong tay nhiều vốn đầu tư công nhất, là tương đồng với giải thích của nhiều doanh nghiệp và chuyên gia về tình trạng giải ngân đầu tư công chậm.

Lo “một ngày đẹp trời”

Vậy, ở góc độ các lãnh đạo địa phương, họ đang đối mặt với những vấn đề gì của mình, của hệ thống trực thuộc để thúc đẩy giải ngân? Những lời trình bày bộc trực và thẳng thắn của các lãnh đạo địa phương tại hội nghị với các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Tây Nguyên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 18-7 ở Đà Nẵng lý giải rất nhiều.

{keywords}
Thủ tướng gặp lãnh đạo các tỉnh miền Trung tại Đà nẵng ngày 18/7. Ảnh Chinhphu.

Báo chí tường thuật,  Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, kinh tế của tỉnh tăng trưởng âm gần 11,5% dù cán bộ rất muốn “làm mạnh, bứt phá, đổi mới”. “Thế nhưng làm không khéo thì một "ngày đẹp trời" nào đó cũng rất tội cho anh em. Cho nên rất mong có một cơ chế để động viên anh em yên tâm làm việc, vì công việc chung, vì trong sáng”.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, tỉnh vừa phải tập trung khắc phục COVID-19, vừa phải kiểm tra, thanh tra kiểm điểm, kỷ luật đội ngũ cán bộ chủ chốt và cán bộ một số sở ngành.

“Một thời gian dài khoảng sáu tháng, chúng tôi không có chủ tịch UBND tỉnh. Bản thân cán bộ chủ chốt của tỉnh cũng vừa trải qua những ngày như anh Lê Trí Thanh nói là "ngày đẹp trời" - phải kiểm điểm, xem xét kỷ luật”, ông Tuân được tường thuật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Ông Nguyễn Tăng Bính bổ sung, việc bí thư và chủ tịch tỉnh này bị kỷ luật giống “ngày đẹp trời” mà ông Lê Trí Thanh nói đến, ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư cũng như khí thế làm việc của cán bộ tỉnh.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến những sai phạm đất đai của Đà Nẵng: “Có những dự án không nằm trong danh mục thanh tra, điều tra… đã cấp sổ đỏ rồi, thu tiền rồi, trở thành lịch sử rồi thì bây giờ có thể có biện pháp nào đó để khép lại. Còn cứ tiếp tục kéo dài mãi thì không làm được gì hết”.

Trước những tâm tư như vậy, Thủ tướng nói: “Thủ tướng khuyến khích những cán bộ, những địa phương dám nghĩ dám làm, sáng tạo. Sắp tới đây Bộ Chính trị ban hành quy định bảo vệ những người, những tổ chức vì việc nước mà sáng tạo, đổi mới”.

Thúc đẩy dũng khí

Rõ ràng, những tâm tư của các lãnh đạo địa phương là rất đáng chú ý. Họ rất muốn bứt phá, đổi mới để phát triển nhưng do ràng buộc bởi hệ thống pháp luật của nhà nước và cả các quy định của Đảng nên khó bề hành động. Tuân thủ đúng các quy định của Đảng đồng thời tuân thủ đúng luật pháp của nhà nước trong nhiều trường hợp là khó.

Điều đó dẫn đến tâm lý thủ thế của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Họ thà không làm, thà đi chậm cho an toàn còn hơn là đột phá, đổi mới để rồi bị xử lý, kỷ luật. Tình trạng này không chỉ xuất hiện ở một bộ, một địa phương đâu.

Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm đè nặng nên đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý nên không ai dám quyết, dám làm. Từ việc nhỏ, đến việc lớn đều phải xin ý kiến cấp trên, cấp trên lại xin ý kiến cấp trên nữa, rồi cấp trên lại trình ra xin ý kiến tập thể. Do đó, nhiều dự án đã không thể thực hiện được. Trong mấy năm gần đây, nhìn chung không có một công trình lớn nào được triển khai thực hiện.

Dù sao, sự phát triển là không thể chờ đợi. Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương nêu rõ: “Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân”.

Thủ tướng yêu cầu: “Phân công trách nhiệm từng đồng chí Lãnh đạo của Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phụ trách trực tiếp từng lĩnh vực đầu tư, theo dõi tiến độ thực hiện, giải ngân của từng dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kiên quyết không để chậm những việc thuộc thẩm quyền được giao và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá cán bộ, bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ.

Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan; kiên quyết chống trì trệ, tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công; điều chuyển, kiểm điểm, xử lý những trường hợp làm chậm, sai phạm theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sát sao các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, xử lý kịp thời khiếu nại, tạo sự đồng thuận của nhân dân, không được để chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án đầu tư công.

Đó là một giải pháp rất mạnh tạo áp lực lên bộ máy.

Tư Giang

Thúc giải ngân: Lãnh đạo phải dám nghĩ, dám làm

Thúc giải ngân: Lãnh đạo phải dám nghĩ, dám làm

Giải ngân đầu tư công, hiện còn đến hơn 633 nghìn tỷ đồng (28 tỷ USD), được Thủ tướng xác định là một trong “tam mã” để thúc đẩy nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.