Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo (Đề án 06).
Thủ tướng đánh giá, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế là "điểm nghẽn" làm chậm tiến độ triển khai đề án.
Nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương đã đầu tư từ lâu còn rời rạc, manh mún, chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ, chưa đáp ứng an toàn thông tin, an ninh mạng nên chưa thể thực hiện việc số hóa, kết nối, chia sẻ, liên thông, khai thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến…
Cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trong mẫu đơn tờ khai
Thủ tướng yêu cầu từng bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt thực hiện đề án.
Việc triển khai phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, làm từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo đúng quy định.
Đồng thời, thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn; rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, hoàn thành trong tháng 6 triển khai thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt, chỉ đạo cụ thể các cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú.
Các bộ ngành phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử để dần thay các loại giấy tờ công dân, trước mắt là việc thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy từ ngày 1/1/2023. Thời gian hoàn thành trong tháng 3/2023.
Phấn đấu đến tháng 6 cấp được 40 triệu tài khoản định danh điện tử
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, kiên quyết xử lý theo quy định những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tự ý đặt ra thủ tục hành chính không đúng quy định hoặc để chậm, muộn hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.
Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia trình Chính phủ chậm nhất trong tháng 4 năm 2023.
Đồng thời, đẩy mạnh việc cấp mã định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện, thực hiện thường xuyên; chuẩn hóa, cập nhật và chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương.
Tăng cường hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công có sử dụng thông tin công dân, nhất là thời gian đầu bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Bảo đảm tích hợp, chuẩn hóa, cập nhật và chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện ứng dụng VNeID, phấn đấu đến tháng 6 năm 2023 cấp được 40 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân.