Trò chuyện với VietNamNet nhân dịp Xuân Quý Mão - 2023, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đã kể nhiều câu chuyện về chuyển đổi số của địa phương một cách say sưa và đầy ấn tượng.

Nhắc đến chuyển đổi số ở địa phương, không ít người nghĩ ngay đến Thái Nguyên và Bí thư Nguyễn Thanh Hải. Cơ duyên nào bà lại chọn “chuyển đổi số” để ghi dấu tên mình khi về Thái Nguyên?

Thứ nhất, phải kể tới là tỉnh Thái Nguyên có đội ngũ lãnh đạo khá trẻ, đều thuộc thế hệ 7X, rất năng động và rất mê “công nghệ”.

Còn nói về cơ duyên thì bản thân tôi là dân “công nghệ”, đã từng là Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội một thời gian dài, đã được tham gia nhiều hội thảo khoa học, nghiên cứu nhiều tài liệu trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, ngay khi được về địa phương công tác (5/2020), tôi đã nhận thấy rất rõ một điều, chuyển đổi số là “chìa khóa vàng” giúp các địa phương sớm thu hẹp khoảng cách trong mặt bằng phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Trước khi tôi về nhận nhiệm vụ tại tỉnh, một số anh chị từng công tác ở địa phương, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hết sức quý báu, trong đó có khuyên tôi “phải tìm một chủ trương, một lối đi phù hợp nhất, hiệu quả nhất với tình hình cụ thể của địa phương mình”. Từ đó xây dựng những nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Có người gợi ý tôi hãy nhìn kinh nghiệm của Sơn La khi ban hành nghị quyết về phát triển cây ăn quả trên địa hình đồi dốc hay Quảng Ninh chuyển hướng phát triển kinh tế từ “nâu sang xanh” đã thành công như thế nào.

Ngoài ra có một câu chuyện tôi không thể nào quên. Ngày 12/11/2020, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng có buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên và Bộ trưởng đề nghị có kết nối trực tuyến tới cấp cơ sở. Bắt đầu buổi làm việc, Bộ trưởng có hỏi một câu: “Các anh chị cho tôi biết chuyển đổi số là gì?”. Tại thời điểm đó, tất cả cán bộ của tỉnh chưa ai có thể trả lời được. Sau đó, Bộ trưởng Hùng mới phân tích “Thái Nguyên cần gì, thiếu gì thì chuyển đổi số sẽ làm được, giải quyết được”. Ví dụ thiếu giáo viên dạy tiếng Anh thì chuyển đổi số sẽ cung cấp những phòng học trực tuyến với các giáo viên giỏi ở khắp mọi nơi tham gia giảng dạy,…

Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với phát biểu của anh Hùng tại buổi làm việc “địa phương càng nghèo thì càng có dư địa để chuyển đổi số”. Cũng ngay tại buổi làm việc đó, đã có một số doanh nghiệp (Viettel, VNPT,…) nhận hỗ trợ về chuyển đổi số cho 2 huyện khó khăn nhất của Thái Nguyên đó là Võ Nhai và Định Hóa.

Từ những gợi ý, câu chuyện và trăn trở như vậy, ngay tại buổi làm việc với Bộ trưởng, tôi đã mạnh dạn cam kết “tỉnh sẽ nghiên cứu để xây dựng và ban hành một nghị quyết riêng, chuyên đề về chuyển đổi số trong năm 2020”.

Và ngày 31/12/2020, Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của nhiệm kỳ đã được ban hành và chúng tôi cũng lấy ngày 31/12 là ngày chuyển đổi số của tỉnh. Thái Nguyên cũng là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc có Ngày chuyển đổi số.

Khi đó, bà có gặp phải ý kiến trái chiều nào không, nhất là với một tỉnh trung du miền núi như Thái Nguyên có thế mạnh về phát triển cây chè hoặc các khu công nghiệp hơn là chuyển đổi số?

Có chứ, ban đầu cũng có người bày tỏ sự e ngại và cho rằng “nghe có vẻ chưa thực sự phù hợp với truyền thống, tiềm năng, lợi thế và thực tế của địa phương ta”. Cũng có người nghĩ, một tỉnh vùng sâu vùng xa, trung du đồi núi sao lại đi nói chuyện chuyển đổi số?.... Chuyển đổi số phải là của TP.HCM, Hà Nội chứ ai làm ở Thái Nguyên.

Có thể nói, khi đó tôi rất quyết tâm, từ Bí thư lan tỏa trong Thường trực, trong Ban Thường vụ, trong toàn Đảng bộ rồi đến các sở ban ngành, huyện, xã, và từng người dân….

Đến tháng 1/2021, Đại hội XIII của Đảng, chủ trương về chuyển đổi số đã được đưa vào nghị quyết và được nhắc tới trong phát biểu của Tổng Bí thư tại Đại hội. Có đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy lúc đó nói với tôi: “Bây giờ mới thấy tỉnh ta chọn chuyển đổi số làm bước đột phá là đúng và trúng Bí thư ạ”.

Bà có thể nói rõ hơn, đến nay, chuyển đổi số đã mang lại những chuyển biến gì trong chỉ đạo, điều hành cũng như cách thức làm việc của các cơ quan, đơn vị của Thái Nguyên?

Tôi chỉ kể hai việc cụ thể cho thấy sự chuyển biến trong chỉ đạo, điều hành mà chuyển đổi số mang lại cho tỉnh.

Thứ nhất, chuyển đổi số gắn liền với các “phòng họp không giấy” nên cách thức làm việc, điều hành cũng có nhiều thay đổi. Chẳng hạn việc chuẩn bị tài liệu phải nhiều hơn, sớm hơn, chi tiết hơn, nhiều khi còn bao gồm cả các file hình ảnh, các sơ đồ, bản đồ. Việc gửi tài liệu cũng nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều và đặc biệt là không bao giờ xảy ra hiện tượng thất lạc tài liệu.

Các đại biểu khi đến họp thì đều phải nghiên cứu trước tài liệu để chuẩn bị nội dung phát biểu,… Tất cả những điều này đều tạo nên những sự thay đổi tích cực trong cách thức làm việc của các cơ quan, đơn vị.

Một việc nữa mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó là ứng dụng chuyển đổi số trong công tác đảng qua Sổ tay đảng viên điện tử (do Viettel xây dựng). Đây là một bước tiến mới về chuyển đổi số trong lĩnh vực công tác đảng. Hiện nay ứng dụng đã có trên 81.000 đảng viên trong toàn đảng bộ (chiếm 90%) cài đặt và sử dụng. Sổ tay tích hợp nhiều nội dung hỗ trợ cho công tác quản lý, phát triển và đánh giá đảng viên. Ngoài ra ứng dụng còn như một cuốn cẩm nang của người đảng viên hỗ trợ tra cứu các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Đảng.

Ứng dụng này cũng đã được chương trình chuyển đổi số quốc gia đưa vào là một chương trình điểm để nhân rộng ra các tỉnh, thành. Ngoài ra chúng tôi đã nhận được giải thưởng phần mềm thông minh của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam.

Trong năm 2022, khá nhiều tỉnh bạn đến Thái Nguyên để chia sẻ, học tập và nhân rộng mô hình chuyển đổi số của chúng tôi.

Vậy còn với người dân, họ được hưởng lợi gì từ chuyển đổi số, thưa bà?

Đây cũng chính là câu hỏi chúng tôi luôn đặt ra. Năm thứ 2 tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện nghị quyết về chuyển đổi số với trọng tâm là hướng đến sự thụ hưởng của người dân.

Nhờ chuyển đổi số, hiện nay, người dân có thể ngồi ở nhà hay bất cứ đâu để thực hiện hầu hết các thủ tục hành chính, vừa nhanh và giảm chi phí. Người dân cũng không cần đi chợ, không cần dùng tiền mặt mới có thể mua bán hàng hóa vì đã có chợ online, sàn giao dịch trực tuyến, chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt,…

Nói thêm về mô hình chợ 4.0, chợ không dùng tiền mặt (thanh toán bằng thẻ hoặc QR code), đến hết năm 2022 toàn tỉnh có khoảng 60 chợ đã thực hiện và chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.

Hay như vừa rồi, chúng tôi áp dụng chuyển đổi số, mở tài khoản an sinh cho toàn bộ 36.000 hộ nghèo, cận nghèo để chuyển thẳng tiền đến tay từng hộ dân. Các tài khoản an sinh này cũng được kết nối với các dữ liệu trên căn cước công dân.

Tỉnh Thái Nguyên cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong việc đồng bộ toàn bộ dữ liệu hộ tịch với dữ liệu căn cước công dân để sẵn sàng cho việc bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1/1/2023.   

Còn các doanh nghiệp đánh giá ra sao về các chương trình chuyển đổi số của Thái Nguyên, thưa bà?

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều ủng hộ và hưởng ứng rất mạnh mẽ việc cải cách các thủ tục hành chính và triển khai các chương trình chuyển đổi số. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 324 doanh nghiệp công nghệ số đem lại tổng doanh thu kinh tế số đạt gần 26 tỷ USD.

Tôi cũng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của các doanh nghiệp ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành bạn quan tâm, tìm hiểu về cơ hội đầu tư vào tỉnh. Họ đều nói Thái Nguyên chuyển đổi số rất mạnh nên việc tìm hiểu các thông tin rất dễ dàng và công khai.

Một điểm nhấn trong chuyển đổi số tại tỉnh Thái Nguyên chính là các sàn giao dịch điện tử với các sản phẩm đều có mã QR để tra cứu nguồn gốc xuất xứ,… trong đó tập trung mạnh nhất vào chè.

Qua đó, chuyển đổi số đã xóa “khoảng cách” địa lý trong kinh doanh. Người dân ở trong ngõ, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa cũng có thể kinh doanh qua các shop online không thua kém gì như kinh doanh ở mặt phố. Nếu doanh nghiệp năng động thì nhờ chuyển đổi số tốt, vị trí địa lý sẽ không còn là vấn đề lớn nữa. Lúc đó lợi thế trong kinh doanh của Thái Nguyên cũng không khác gì ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn khác.

Nhờ vậy mà thu nhập của người dân Thái Nguyên từ cây chè khá ổn định và tăng nhanh với doanh thu gần 11.000 tỷ/năm. Với chuyển đổi số, người dân Thái Nguyên không chỉ xóa đói giảm nghèo bằng cây chè nữa mà đang và sẽ làm giàu từ cây chè.

Bà nghĩ sao khi nhiều người gọi bà là “Bí thư chuyển đổi số”?

Tôi rất vui khi có người gọi tôi là “nữ bí thư chuyển đổi số” và khi người dân trong tỉnh cũng đã bước đầu thích “chuyển đổi số” và ghi nhận những hiệu quả bước đầu mà chuyển đổi số mang lại.

Liệu “Chuyển đổi số” vẫn tiếp tục là “từ khóa” của Bí thư Nguyễn Thanh Hải trong thời gian tới?

Bản thân tôi và tập thể lãnh đạo tỉnh vẫn còn có rất nhiều ấp ủ, mong muốn và đặt nhiều kỳ vọng ở chuyển đổi số.

Chuyển đổi số không những chỉ mang lại cuộc sống ấm no, sung túc về vật chất cho người dân mà chúng tôi còn mong muốn, hướng tới những cảm nhận vui vẻ, hạnh phúc của người dân thông qua quá trình chuyển đổi số tại địa phương.

Lấy một ví dụ đơn giản, mỗi khi một em bé tỉnh Thái Nguyên chào đời, sẽ được cập nhật ngay vào hệ thống ứng dụng C – Thái Nguyên và Chủ tịch tỉnh sẽ có một bức thư gửi ngay tới bố mẹ em bé để chúc mừng một công dân mới của tỉnh.

Điều này hoàn toàn không khó và rất khả thi, không tốn kém gì mà lại mang nhiều ý nghĩa về mặt tinh thần, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đến từng người dân, gia đình người dân.

Đây là một trong nhiều ý tưởng mà chúng tôi ấp ủ và sẽ triển khai trong chương trình chuyển đổi số năm 2023 của tỉnh.

Trong năm 2023, chúng tôi lựa chọn chuyển đổi số là một trong những giải pháp trọng tâm làm chìa khóa để xây dựng một tỉnh Thái Nguyên: “Bình yên, sung túc, hạnh phúc và ngày càng phát triển”.