Mới đây, Lockheed Martin tuyên bố, tên lửa không đối đất liên quân (JAGM) AGM-179 đã được phê duyệt để sản xuất hàng loạt với tốc độ tối đa. JAGM là dự án tên lửa chiến thuật lớn nhất của quân đội Mỹ những năm gần đây, nhằm phát triển một loại tên lửa dẫn đường chính xác có thể được trang bị trên trực thăng, máy bay không người lái, máy bay chiến đấu và thậm chí cả xe bọc thép để tấn công các mục tiêu có giá trị quân sự cao trên bộ và trên biển. 

Tại sao đến nay Mỹ mới chế tạo hết công suất AGM-179?

Thực tế, dự án JAGM được Mỹ đưa ra từ 20 năm trước, tuy nhiên phải đến khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, quân đội Mỹ mới thực sự mong muốn lắp đặt loại tên lửa này trên quy mô lớn. Họ yêu cầu Lockheed Martin sản xuất với tốc độ tối đa và công việc sản xuất hàng loạt quy mô lớn đã bắt đầu.

Trong Chiến tranh Iraq, để giảm thiệt hại phụ do tên lửa gây ra, đặc biệt là để tránh thương vong do các vụ nổ dữ dội cho các lực lượng đồng minh trong quá trình hỗ trợ, quân đội Mỹ cần một loại tên lửa mới có thể tấn công chính xác mục tiêu với ít thiệt hại phụ hơn. Năm 2004, quân đội Mỹ khởi động dự án “Tên lửa thông dụng liên quân” (JCM), nhưng để giảm chi tiêu quân sự, Lầu Năm Góc đã sớm hủy bỏ dự án.

Năm 2008, với sự hỗ trợ của Quốc hội, quân đội Mỹ đã tái phát triển một thế hệ tên lửa không đối đất (chống tăng) chiến thuật mới, được đặt tên là dự án “Tên lửa không đối đất liên quân”, gọi tắt là tên lửa JAGM. Lầu Năm Góc đã trao hợp đồng cho Lockheed Martin, Raytheon và Boeing để phát triển dự án. 

Ý tưởng chung của các công ty này về cơ bản giống nhau, đó là đảm bảo thế hệ tên lửa mới có thể sử dụng hệ thống phóng và hệ thống hỗ trợ hậu cần của tên lửa chống tăng Hellfire, vì vậy tên lửa này được gọi là “người kế nhiệm Hellfire”.

Vào tháng 9/2018, Lầu Năm Góc thông báo Lockheed Martin đã giành được hợp đồng sửa đổi tên lửa JAGM trị giá 49 triệu USD. Kể từ đó, loại tên lửa này đã bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt quy mô nhỏ, đồng thời liên tục được thử nghiệm và cải tiến, 3 mẫu I/II/III tăng cường đã ra mắt, cũng như JAGM-MR và JAGM-F có tầm bắn được mở rộng. 

Sau khi được sản xuất hàng loạt, tên lửa JAGM sẽ được trang bị đồng bộ cho Lục quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ. Trong đó, Lục quân sử dụng tên lửa này để thay thế hoàn toàn tên lửa Hellfire, biên chế trên trực thăng AH-64D Longbow Apache, trực thăng UH-60 Black Hawk, máy bay không người lái MQ-1C Grey Eagle và máy bay cánh quạt nghiêng V-280. 

Thủy quân lục chiến sử dụng tên lửa này để các máy bay trực thăng AH-1Z Viper, máy bay trực thăng KC-130J Harvest Eagle và máy bay chiến đấu cất/hạ cánh tầm ngắn F-35B Lightning II. 

Hải quân trang bị tên lửa này cho các máy bay chiến đấu trên tàu sân bay F/A-18E/F Super Hornet, F-35C Lightning II và nhiều máy bay không người lái khác. Ngoài ra, tên lửa JAGM sẽ thay thế tên lửa hạm đối hạm Griffin B và được tích hợp vào hệ thống phòng không tầm ngắn di động M-SHORAD, trở thành một loại tên lửa đa năng, đa nền tảng.

Về dự kiến là vậy, tuy nhiên việc Mỹ đẩy nhanh sản xuất hàng loạt loại tên lửa này trong thời điểm hiện nay không khỏi làm dấy lên nghi ngờ, liệu rằng AGM-179 có xuất hiện trên bầu trời Ukraine hay không?