Tài sản đảm bảo để vay vốn không có gì ngoài đất

Một hợp tác xã trồng ca cao tại tỉnh Đắk Lắk đã không thể vay được vốn từ ngân hàng để đầu tư dây chuyền chế biến ca cao chất lượng cao. Ngân hàng không cho vay vì hợp tác xã này không có quyền sử dụng đất riêng và không chấp nhận tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của các hộ xã viên. Ngân hàng cũng không chấp nhận các loại tài sản đảm bảo khác. Vì vậy, mặc dù rất muốn phát triển, mở rộng sản xuất nhưng hợp tác xã đành bất lực nhìn cơ hội trôi qua.

Theo tính toán, bất động sản đang chiếm khoảng 60% tổng thế chấp khách hàng của 14 ngân hàng thương mại. Điều này nói lên thực trạng của nhiều doanh nghiệp không có tài sản thế chấp là đất, như trường hợp hợp tác xã kể trên.

Câu chuyện của hợp tác xã này là điển hình của rất nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp và các hộ gia đình. Không có đất để làm tài sản đảm bảo, các đơn vị này không thể tiếp cận tín dụng. Các cơ hội tiếp cận vốn bị bó chặt làm họ khó mà mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tại Việt Nam tài sản đảm bảo để vay vốn chủ yếu là đất. Ảnh ( minh họa) Lê Anh Dũng.

Trên thực tế vẫn còn một số loại quyền tài sản chưa được thừa nhận một cách rõ ràng như: quyền thuê bất động sản, quyền khai thác khoáng sản, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, quyền nhận số tiền bảo hiểm,... Và còn rất nhiều câu chuyện khác về quyền tài sản bị hạn chế trong nhiều lĩnh vực.

Quyền tài sản còn rất yếu và thiếu là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam mãi không lớn lên được.

Quyền tài sản ở Việt Nam được xếp hạng thấp

Theo tiến sỹ Nguyễn Minh Thảo, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), các nghiên cứu và khảo sát trên thế giới về quyền tài sản chứng minh, những quốc gia nào có môi trường thể chế bảo hộ hiệu quả quyền tài sản thì quốc gia đó thường đạt được mức năng suất và thịnh vượng cao hơn.

Quyền tài sản được đưa vào như một chỉ số quan trọng, trong nhiều xếp hạng trên thế giới như: “Quyền tài sản quốc tế” của Liên minh quyền tài sản (Property Rights Alliance);  “Năng lực cạnh tranh toàn cầu” của Diễn đàn kinh tế thế giới; “Môi trường kinh doanh” (Doing Business) của Ngân hàng thế giới; “Môi trường kinh doanh” (Best Countries for Business) của tạp chí Forbes; “Tự do kinh tế” của Quỹ di sản văn hóa; “Tự do kinh tế thế giới” của Viện Fraser (Canada)...

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hầu hết các xếp hạng về quyền tài sản dành cho Việt Nam của các tổ chức quốc tế đều ở vị trí rất thấp.

Liên minh quyền tài sản đã xây dựng và công bố một bộ chỉ số riêng về quyền tài sản quốc tế (International property rights index - IPRI) nhằm đo lường và xếp hạng mức độ bảo vệ quyền tài sản ở các quốc gia trên thế giới. Chỉ số này bao gồm ba cấu phần: môi trường chính trị và pháp lý; quyền tài sản vật chất; quyền sở hữu trí tuệ.

Theo xếp hạng của Liên minh quyền tài sản, chỉ số IPRI của Việt Nam trong 7 năm qua đứng ở vị trí cao nhất là 77 và thấp nhất là 84, trên tổng số 129 nền kinh tế được xếp hạng.

Theo tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, trình độ phát triển của thể chế sở hữu tài sản và hiệu lực thể chế bảo vệ quyền sở hữu tài sản của nước ta hiện nay còn thấp. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam chưa rõ ràng và đầy đủ, để xác định một quyền được coi là quyền tài sản.

Điều này dẫn đến khó khăn cho cá nhân, pháp nhân khi có nhu cầu sử dụng các quyền liên quan tới tài sản, nhất là các quyền phát sinh từ hợp đồng vào giao dịch.

Quyền tài sản được bảo vệ giúp kinh tế thịnh vượng

Quyền tài sản được định nghĩa là một nhóm quyền được bảo vệ bởi luật pháp của các cá nhân và tổ chức trong việc nắm giữ hay định đoạt những tài sản nhất định và trong việc nắm giữ lợi ích từ quá trình sử dụng những tài sản đó. Quyền tài sản không phải là những vật thể vật chất mà là các quyền sở hữu và những nghĩa vụ được xã hội tôn trọng rộng rãi.

Việt Nam cần có đánh giá lại thực chất nội dung quyền tài sản và làm sao để khai thác hiệu quả quyền tài sản đó. Ảnh LAD.

Người ta thống nhất rằng, mức độ thịnh vượng của nền kinh tế và quyền tài sản có mối liên quan mật thiết tới nhau; quyền tài sản đóng vai trò là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.

Vai trò của việc bảo đảm quyền tài sản đối với đầu tư, kinh doanh và phát triển kinh tế, được thể hiện trên những khía cạnh sau: Nếu quyền tài sản được pháp luật bảo vệ tốt, người dân và doanh nghiệp sẽ luôn cố gắng khai thác tối ưu những lợi thế và công năng của tài sản, nhằm đạt được năng suất và hiệu quả cao nhất. Họ có thể sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn hoặc chuyển nhượng, nhằm thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Ngược lại, quyền tài sản không được bảo vệ hữu hiệu sẽ hạn chế cơ hội và sự sáng tạo của người dân trong việc khai thác giá trị của tài sản.

Vì thế, quyền tài sản là một trong những tiêu chí quan trọng của môi trường kinh doanh ở mỗi quốc gia. Các nhà đầu tư tiềm năng thường xem xét mức độ bảo đảm quyền tài sản ở các quốc gia, khi quyết định hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình.

Quyền tài sản được bảo đảm sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động trao đổi và cho phép người mua, người bán tìm kiếm lợi nhuận, thông qua các giao dịch. Nếu tài sản được quản lý bởi những người có thể sử dụng chúng theo cách có năng suất nhất, nó không chỉ tạo thêm lợi nhuận cho người nắm giữ tài sản mà còn góp phần tăng hiệu quả chung của nền kinh tế.

Quyền tài sản cũng đóng vai trò như là công cụ tiết kiệm và bảo hiểm có giá trị. Khi tài sản được bảo vệ tốt, chúng có thể giúp tạo ra của cải, mang lại lợi ích cho một xã hội rộng lớn hơn và đóng góp vào xóa đói giảm nghèo.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế

Giới học giả cho rằng, cần quy định cụ thể các quyền tài sản thông thường, được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, cũng như có hướng dẫn cụ thể về tài sản hình thành trong tương lai, bao gồm tài sản chưa hình thành và tài sản đã hình thành.

Việc bảo đảm quyền tài sản là yếu tố quan trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thúc đẩy cạnh tranh kinh tế giữa các nền kinh tế. Việt Nam cần có đánh giá lại thực chất nội dung quyền tài sản và làm sao để khai thác hiệu quả quyền tài sản đó.

Để tháo gỡ nút thắt này, cần nghiên cứu, rà soát, nhận diện các vướng mắc, bất cập, chồng chéo, khác biệt trong các văn bản pháp luật quy định về tài sản, quyền tài sản để sửa đổi, bổ sung các nội dung cụ thể, nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định pháp luật.

Trong quá trình đó cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực thi pháp luật về tài sản và quyền tài sản.

Trần Thủy