So với các địa phương trong nước, tỉnh Quảng Trị bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hậu quả chiến tranh, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt... Tuy nhiên, với sự chủ động, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người dân đã chung sức, đồng lòng nên phong trào xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả nổi bật.
Sau 14 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn tỉnh Quảng Trị đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.
Nghị quyết số 03-TU/NQ (4/11/2021) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Tỉnh uỷ Quảng Trị đặt mục tiêu năm 2025, toàn tỉnh có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 25% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Tỉnh không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; 40% thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2020.
Để đạt mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối nông thôn mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã đề ra nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ, người dân.
UBND tỉnh đã phân bổ các nguồn vốn đầu tư phát triển, sự nghiệp ngân sách Trung ương và nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 cho từng địa phương, làm cơ sở để các địa phương chủ động huy động và lồng ghép các chương trình dự án, kêu gọi sự đóng góp của người dân.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu.
Công tác tuyên truyền, vận động về xây dựng nông thôn mới được chú trọng và phát huy hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”. Hoạt động đỡ đầu các xã xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các sở, ngành, doanh nghiệp quan tâm đẩy mạnh.
Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức 2 đoàn học tập kinh nghiệm của các tỉnh, thành về các mô hình, cách làm hay về xây dựng nông thôn mới; tập huấn, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới cấp xã, thôn.
Các sở, ban ngành tập trung xây dựng, ban hành các văn bản, hệ thống cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện chương trình, làm cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai. Xây dựng nông thôn mới luôn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, nhận thức của người dân được nâng cao.