Cha tôi năm nay 70 tuổi. Bác sĩ mới phát hiện cha bị ung thư ruột già và khuyên nên phẫu thuật. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa dám nói cho cha biết vì sợ ông lo và buồn. Gia đình đông anh em, mỗi người một ý khiến tôi cũng rối. Mong bác sĩ cho lời khuyên! (Trần Thanh, TP.HCM).

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) tư vấn:

Quyền của người bệnh được ghi nhận tại mục 1, chương 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 như sau:

- Được tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với bệnh.

- Được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.

Do đó, nếu người bệnh còn minh mẫn, chúng ta không nên và không được giấu bệnh. Họ nên được thông báo tình trạng bệnh một cách nhẹ nhàng và tích cực. Khi bệnh nhân hiểu, họ sẽ tuân thủ điều trị tốt hơn. 

Bản thân tôi, khi tư vấn cho bệnh nhân ung thư, kể cả ở giai đoạn muộn, vẫn đưa các thông tin lạc quan như hiện có nhiều thuốc mới và tốt, đừng lo lắng. Tôi cũng nhận thấy người bệnh ít nhiều đều biết về bệnh tình của mình. Việc giấu bệnh càng làm cho họ cảm thấy lo lắng, bực bội và hoang mang không cần thiết.

Người mắc ung thư khi hiểu bệnh tình sẽ tuân thủ điều trị tốt hơn. Ảnh: GL.

Việc giải thích bệnh một cách chính xác, nhẹ nhàng sẽ giúp người bệnh cũng như thân nhân hiểu tình hình, chủ động sắp xếp công việc và gia đình phù hợp. Việc này chỉ nên thực hiện với sự đồng ý của bệnh nhân vì đây là vấn đề riêng tư, là quyền hợp pháp của người bệnh. Do đó, dù với mục đích tốt, giấu bệnh vẫn có thể vô tình vi phạm luật. 

Với gia đình có đông thành viên, việc giải thích và để người bệnh tự quyết định cách điều trị tốt nhất cho mình là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp tránh những mâu thuẫn không đáng có trong gia đình.