Hôm 27/2, Mỹ và các đồng minh chủ chốt ở châu Âu cho biết không có kế hoạch điều quân tới Ukraine, sau khi Tổng thống Macron đề cập tới khả năng này. Sau đó, Điện Kremlin cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp giữa Nga và phương Tây, nếu như NATO và EU có ý định đưa quân tới Ukraine.
Để làm rõ tuyên bố của ông Macron, hôm 27/2, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cho biết Tổng thống đã có ý định cử quân đội thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như hỗ trợ rà phá bom mìn, sản xuất vũ khí tại chỗ, và phòng thủ mạng.
“Chuyện này có thể đòi hỏi sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ Ukraine, nhưng không phải là chiến đấu”, ông Sejourne nói.
Tuyên bố hôm 26/2 của ông Macron được đưa ra tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu ở Paris về cách tăng cường sự ủng hộ cho Kiev, giữa lúc quân đội Nga đang giành lợi thế ở vùng xung đột miền đông Ukraine, còn Kiev rơi vào tình trạng thiếu đạn dược và nhân lực.
Tuy nhiên, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan và Cộng hòa Séc đã lên tiếng khẳng định không có ý định điều bộ binh tham chiến ở Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, “sẽ không có bộ binh, không có binh sĩ nào từ các nước châu Âu, hoặc các nước NATO có mặt trên đất Ukraine”. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng khẳng định, “điều bộ binh không phải là lựa chọn đối với Đức”.
Tuy nhiên, ông Scholz cho biết sau cuộc họp hôm 26/2, các nhà lãnh đạo châu Âu hiện sẵn sàng mua vũ khí từ các nước ngoài châu Âu để tăng tốc viện trợ quân sự cho Ukraine.
Đức là nước cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ 2 cho Kiev, kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022. Tuy nhiên, Berlin vẫn cực kỳ cảnh giác với các bước đi để tránh kéo NATO vào xung đột trực tiếp với Nga.
Nhà Trắng cũng tuyên bố không có kế hoạch điều quân tới Ukraine, mà thay vào đó kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ phê chuẩn dự luật viện trợ thêm nhằm đảm bảo quân đội Ukraine có vũ khí và đạn dược cần thiết để tiếp tục chiến đấu.
Trong tháng này, Cộng hòa Séc đã công bố kế hoạch cùng với sự hỗ trợ của Canada, Đan Mạch và các nước khác để tài trợ cho việc mua nhanh hàng trăm nghìn viên đạn từ các nước thứ 3 để gửi đến Ukraine.
Nga và Mỹ hiện là 2 nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tổng thống Joe Biden cũng từng cảnh báo xung đột giữa Nga và NATO có thể dẫn tới Thế chiến thứ ba.
Đặc biệt, khả năng quân đội Đức được triển khai tới lãnh thổ từng thuộc Liên Xô cũ là điều cực kỳ nhạy cảm đối với Nga, quốc gia đã đánh bại cuộc xâm lược của Hitler trong Thế chiến thứ Hai, và chiến thắng này được coi một phần không thể thiếu trong bản sắc dân tộc. Tổng thống Vladimir Putin cũng đã nhấn mạnh, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine còn là cuộc đấu tranh chống lại "Đức Quốc xã", một lập trường mà Kiev và phương Tây đã bác bỏ.