Việc kết nạp các quốc gia mới vào NATO đòi hỏi phải có sự tán thành của tất cả 32 nước thành viên hiện tại của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu này. Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết, nếu Ukraine được mời gia nhập NATO, Quốc hội Slovakia sẽ không phê chuẩn hiệp ước kết nạp.

Báo điện tử Noviny.sk dẫn lời Thủ tướng Slovakia hôm 16/4 giải thích: “Slovakia cần một Ukraine trung lập. Lợi ích của chúng ta sẽ bị đe dọa nếu Ukraine trở thành thành viên của NATO, vì đó là cơ sở của một cuộc xung đột lớn trên thế giới”. Ông Fico cũng nhấn mạnh, chính phủ của ông sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài.

Theo đài RT, Slovakia cùng với nước láng giềng Hungary đã khuyến cáo Liên minh châu Âu (EU) không nên bị lôi kéo vào cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine và nhất quyết yêu cầu một giải pháp ngoại giao.

Sau khi trở thành thủ tướng Slovakia vào tháng 10/2023, ông Fico đã đảo ngược quyết định của chính phủ tiền nhiệm về việc gửi vũ khí đến Kiev. Ông cũng kịch liệt phản đối việc đưa binh lính NATO tới Ukraine.

Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022. Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong tháng này đã nhắc lại rằng Ukraine “sẽ gia nhập NATO trong tương lai”, nhưng liên minh cho đến nay vẫn từ chối cam kết về một thời gian biểu cụ thể hoặc con đường rõ ràng cho việc kết nạp nước này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã loại trừ khả năng kết nạp Ukraine cho đến khi xung đột kết thúc.

Nga đã nhiều lần nhấn mạnh việc coi NATO tiếp tục mở rộng về phía đông là mối đe dọa an ninh quốc gia. Moscow trích dẫn sự hợp tác quân sự của liên minh với Ukraine là một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột hiện nay, đồng thời mô tả khả năng gia nhập NATO của Ukraine là “lằn ranh đỏ”.