Khi được đeo ở tay, những chiếc vòng, dây buộc tóc thường xuyên cọ xát vào da thịt. Thói quen đó có thể tạo ra lỗ hổng cho vi khuẩn xâm nhập đồng thời hạn chế máu lưu thông, ảnh hưởng tới dây thần kinh. 

Một bệnh nhân có tên Audrey nhận thấy vết sưng xuất hiện trên cổ tay nơi cô thường đeo một chiếc dây buộc tóc lấp lánh. Nghĩ rằng đó là vết cắn của nhện, ban đầu, Audrey không bận tâm cho đến khi tổn thương lớn hơn rõ rệt.

Khi đến bệnh viện, Audrey đã được kê một đợt kháng sinh. Nhưng các triệu chứng của cô vẫn không đỡ. Bác sĩ buộc phải rạch cổ tay của cô để lấy mủ khỏi khối áp-xe. 

"Tôi có một vết xước nhỏ trên cổ tay, vi khuẩn từ chiếc dây buộc tóc đã xâm nhập vào, gây nhiễm trùng đe dọa đến tính mạng", Audrey kể. 

Theo Express, bác sĩ nghi ngờ vi khuẩn đã gây ra ba loại nhiễm trùng cho nữ bệnh nhân. Chuyên gia nhận định các cạnh sắc của những hạt lấp lánh trên phụ kiện đã làm xước da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. 

Bạn không nên đeo dây buộc tóc quá chặt ở tay. Ảnh minh họa: Today

Mặc dù nguy cơ nhiễm trùng do đeo các loại dây, băng đô rất hiếm nhưng giới chuyên môn cảnh báo không nên đeo quanh cổ tay nếu quá chặt.

Bác sĩ Brian Fisher, Giám đốc lâm sàng của ứng dụng chăm sóc sức khỏe Evergreen Life (Anh), giải thích: “Đeo các phụ kiện như dây buộc tóc trên cổ tay sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề gì đối với đa số mọi người. Nhưng nếu bạn để dây buộc tóc trên cổ tay quá chặt, quá lâu, máu lưu thông đến tay có thể bị cắt và dẫn đến các vấn đề như tổn thương dây thần kinh”.

Vì vậy, nếu bạn cảm thấy bàn tay lạnh hơn hoặc có cảm giác ngứa ran thì tốt nhất nên loại bỏ vật trên cổ tay ngay lập tức để máu được lưu thông. 

Trong giai đoạn đầu của nhiễm trùng, da thường đỏ và nóng lên rõ rệt. Nếu một khối u xuất hiện tại vị trí nhiễm trùng (áp-xe) đây có thể là dấu hiệu có mủ bên dưới da. Một số khối áp-xe hình thành bên trong cơ thể, gây ra các triệu chứng như sốt cao, cảm thấy không khỏe và đau ở vùng bị ảnh hưởng.

Mầm bệnh gây ra các loại nhiễm trùng này là virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng cư trú trên bề mặt da. Độc tố làm tổn thương tế bào, dẫn tới bệnh tật, đôi khi gây nhiễm trùng huyết.

Tiến sĩ Fisher giải thích: "Nhiễm trùng huyết xảy ra khi cơ thể bạn phản ứng quá mạnh với nhiễm trùng, không chỉ chống lại vi khuẩn mà còn cả các mô của chính bạn. Một số nhóm người có nguy cơ trở nặng hơn. Đó là những người mắc bệnh tiểu đường, vừa trải qua phẫu thuật hoặc bệnh nặng, trên 75 tuổi”.