Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, trước đây, một số người có quan niệm bỏ ăn uống để bỏ đói tế bào ung thư. Điều này dẫn đến việc bệnh nhân bị suy kiệt, tử vong vì suy dinh dưỡng trước khi tử vong vì ung thư.

Sau nhiều khuyến cáo của giới chuyên môn, người bệnh cũng dần từ bỏ quan niệm sai lầm này và tập trung điều trị bệnh. 

Tuy nhiên, Khoa Ung bướu Bệnh viện TP Thủ Đức vẫn gặp một số trường hợp bị suy kiệt liên quan đến chế độ ăn uống khắc nghiệt khi đang mắc ung thư. Bác sĩ Vũ dẫn chứng, mới đây, một bệnh nhân nhập viện với khuôn mặt xanh xao, người gầy gò.

Các xét nghiệm cho thấy, người bệnh bị thiếu máu, thiếu đạm, phải truyền máu và truyền dịch. Đồng thời, khối u có xu hướng to lên. Khai thác thông tin, bác sĩ được biết bệnh nhân chỉ ăn muối vừng, gạo lứt và uống nước lã do thực hành thực dưỡng. 

Khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức đang điều trị nội trú cho gần 50 bệnh nhân.

“Cơ bản, thực dưỡng là cách ăn uống giảm thịt đỏ, đồ hộp, khuyến khích ăn nhiều ngũ cốc, hạt, rau và kết hợp chế độ rèn luyện thể dục phù hợp. Đến nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh thực dưỡng chữa được ung thư.

Nếu thực dưỡng quá khắc nghiệt như chỉ uống nước lã, ăn muối vừng… sẽ khiến cơ thể người bệnh ung thư không đủ dinh dưỡng, suy yếu, bệnh nhiễm trùng bùng phát”, bác sĩ Vũ nói.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ, bác sĩ Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy nhiều lần khẳng định, việc ăn rất ít hoặc chỉ ăn gạo lứt muối vừng là quan niệm sai lầm của người bệnh ung thư.

Nhiều người nghĩ, nếu ăn ít, khối ung thư sẽ nhỏ lại. Thực tế, chưa có bằng chứng khoa học chứng minh kiểu ăn này có tác dụng làm khối ung thư nhỏ lại hoặc không di căn. "Ngược lại, ăn quá ít trong thời gian dài khiến cơ thể người bệnh ung thư thiếu năng lượng, dần dần suy kiệt và có thể tử vong", bác sĩ Tâm nói.

Tương tự, việc kiêng khem thịt cá quá mức có thể gây ra thiếu đạm, cản trở quá trình lành vết thương, giảm khả năng phòng ngừa nhiễm trùng của bệnh nhân. 

Các bác sĩ cũng cảnh báo hậu quả khi người bệnh ung thư ăn, uống quá nhiều thực phẩm chức năng với hy vọng chữa được bệnh. 

“Thực phẩm chức năng bổ sung thêm nguyên tố vi lượng hoặc vitamin, không phải thuốc chữa bệnh và cũng không phải dinh dưỡng thay thế bữa ăn.  Vì thế, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng và tuân thủ điều trị ung thư theo phác đồ”, bác sĩ Vũ nói.

Ông cho rằng, nếu lạm dụng thực phẩm chức năng thay vì ăn uống đầy đủ chất béo, đạm, tinh bột… có thể phản tác dụng, gây ra suy dinh dưỡng. 

Theo bác sĩ Vũ, trong quá trình điều trị ung thư, nếu bệnh diễn tiến ổn định, người bệnh có thể ăn uống bình thường, không cần kiêng khem thực phẩm nào đặc biệt. Tuy nhiên, cần ngưng các chất có hại cho cơ thể như như rượu, bia, thuốc lá. 

Trường hợp ung thư quá nặng, chuyên gia dinh dưỡng sẽ đánh giá và bổ sung các dung dịch dinh dưỡng đặc biệt cho người bệnh. 

Bác sĩ nhấn mạnh, chế độ ăn là một phần quan trọng trong điều trị ung thư. Người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo đủ các nhóm chất: đạm - bột đường - béo - vitamin, khoáng chất - nước.