Nhiều người không thể ngủ ngon và đủ giấc vào ban đêm. Bởi vậy, họ tìm cách bù đắp bằng cách ngủ vào ban ngày. Ngoài ra, nhiều người có thói quen ngủ trưa, nhờ đó, họ cảm thấy tràn đầy năng lượng và sảng khoái sau khi tỉnh dậy. 

Theo một số nghiên cứu, giấc ngủ trưa có thể tốt cho não bộ của bạn nhưng yếu tố thời lượng đóng vai trò quan trọng. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Lão khoa Mỹ đã chỉ ra giấc ngủ ngắn khoảng 30 phút dường như có lợi cho não của người trưởng thành. Ngủ dài hơn một giờ dễ gây ra vấn đề về nhận thức.

Nhiều người thấy tỉnh táo, sảng khoái hơn sau giấc ngủ trưa. Ảnh minh họa: Triathlete

“Đối với nhiều người, chợp mắt vào buổi chiều giống như khởi động lại, cho phép họ thức dậy với cảm giác sảng khoái và sẵn sàng hoàn thành phần việc còn lại”, bác sĩ Vipul Gupta, Trưởng khoa Phẫu thuật Can thiệp Thần kinh Bệnh viện Artemis (TP Gurugram, Ấn Độ) giải thích. 

Tiến sĩ Gowri Kulkarni cũng nhận định: “Giấc ngủ ngắn ban ngày mang lại nhiều lợi ích khác nhau bao gồm thư giãn, giảm mệt mỏi, tăng sự tỉnh táo và cải thiện tâm trạng. Ngoài ra, còn hỗ trợ thời gian phản ứng nhanh hơn và trí nhớ tốt hơn”. 

Theo Indian Express, những giấc ngủ ngắn đặc biệt có lợi cho những người làm việc theo ca, người phải tỉnh táo vào những thời điểm bất thường. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo giấc ngủ ngắn có thể cản trở giấc ngủ ban đêm của bạn nếu diễn ra vào chiều muộn hoặc trong thời gian dài. Tiến sĩ Kulkarni giải thích: “Tốt nhất là ngủ khoảng 15-20 phút vào đầu giờ chiều vì chợp mắt muộn có nguy cơ ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ”.

Tiến sĩ Gupta cũng ủng hộ những giấc ngủ trưa 20-30 phút: “Thời lượng của giấc ngủ ban ngày tối ưu có thể khác nhau tùy theo từng người. Bạn không nên chợp mắt sau 15h vì có thể cản trở giấc ngủ ban đêm”. 

Ngoài ra, những giấc ngủ trưa dài còn dẫn tới những tác động xấu đến sức khỏe. Tiến sĩ Gupta nhấn mạnh: “Nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa những giấc ngủ trưa kéo dài hơn một giờ với bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, hội chứng chuyển hóa”. 

Theo Health.harvard, buồn ngủ vào ban ngày có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị rối loạn giấc ngủ: “Một số người rơi vào vòng luẩn quẩn. Họ ngủ vào ban ngày để bù đắp cho thiếu ngủ vào ban đêm, nhưng sau đó họ sẽ khó ngủ hơn vào ban đêm”.