Để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người nghèo, nhiều ý kiến cho rằng nên chuyển đổi quỹ nhà tái định cư đang bỏ trống tại TPHCM sang nhà ở xã hội. Đề xuất này liệu có khả thi?
Lời toà soạn:
TPHCM hiện có gần 9.000 căn hộ tái định cư thuộc sở hữu nhà nước chưa bố trí cho người dân. Trong khi những căn nhà này đang bị bỏ trống, người thu nhập thấp tìm ‘đỏ mắt” vẫn không mua được nhà giá rẻ.
Để có thêm góc nhìn thực tế và gợi mở các giải pháp sử dụng quỹ nhà tái định cư hiệu quả, Báo VietNamNet giới thiệu đến quý độc giả loạt bài “Tìm lời giải cho cả chục ngàn căn hộ tái định cư đang bỏ trống tại TPHCM”.
Giá bán phải hợp lý
Nói đến việc chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội (NƠXH), ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho hay theo quy định, dự án NƠXH sẽ được miễn tiền sử dụng đất khi tính giá thành.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn phải tính toán các chi phí bồi thường nên giá bán vẫn ở mức cao. Ngoài ra, mỗi căn NƠXH chỉ được nằm trong khung diện tích từ 20m2 đến 70m2.
Theo ông Khiết, như tại Khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh chỉ có khoảng 30% căn hộ đáp ứng khung diện tích này và nằm rải rác ở các toà chung cư. Bố trí những căn NƠXH nằm rải rác ở các toà nhà là việc làm khó khả thi.
Dưới góc độ doanh nghiệp đã đầu tư nhiều dự án NƠXH tại TPHCM, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, cho rằng cần giải quyết nhiều vấn đề khi chuyển đổi nhà tái định cư sang NƠXH.
Đầu tiên, NƠXH có quy định diện tích không vượt quá 70m2/căn. Trong khi đó thiết kế nhà tái định cư lại không quy định về diện tích. Cho chuyển công năng nhưng diện tích có phù hợp hay không?
Thứ hai, chi phí xây dựng nhà tái định cư trước đây khá cao. Khi chuyển sang NƠXH, nếu giá bán hiện nay khoảng 30 triệu đồng/m2 thì người mua có chấp nhận hay không?
Thứ ba, các dự án nhà tái định cư không sử dụng một thời gian dài đã xuống cấp, hư hỏng. Khi chuyển sang NƠXH thì phải bỏ ra chi phí không nhỏ để sửa chữa lại toàn bộ. Lúc này, giá bán như thế nào phải tính toán cho hợp lý.
Luật đã có, chờ hướng dẫn chi tiết
Để giải quyết hàng ngàn căn nhà tái định cư chưa bố trí cho người dân, từ năm 2017, UBND TPHCM đã tính đến phương án đấu giá quỹ nhà này. Tuy nhiên, ngoài những vướng mắc về mặt thủ tục pháp lý, phương thức đấu giá chưa phù hợp cũng là lý do khiến cho giải pháp này chưa đạt hiệu quả.
Tại quyết định phê duyệt Chương trình nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030, đối với nhóm giải pháp về phát triển nhà ở nhằm chỉnh trang và phát triển đô thị, UBND TP đã đề cập đến đề xuất chuyển quỹ nhà tái định cư sang NƠXH.
Cụ thể, đề xuất chuyển đổi một phần quỹ nhà ở tái định cư thuộc sở hữu nhà nước sang NƠXH. Dùng quỹ NƠXH này để giải quyết nhu cầu nhà ở cho các hộ nghèo, thu nhập thấp không đủ điều kiện tái định cư, không còn nơi ở nào khác nhằm giảm bớt áp lực về vốn ngân sách phải bồi thường cho các hộ dân phải di dời.
Việc chuyển đổi nhà tái định cư bỏ trống thành NƠXH được xem là giải pháp “một mũi tên trúng hai đích”. Tuy vậy, sẽ có những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý cần được giải quyết.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TPHCM), trước đây chưa có quy định nhưng tại điểm a, khoản 1, Điều 124 Luật Nhà ở 2023 sắp có hiệu lực đã có quy định về việc chuyển đổi công năng từ nhà tái định cư sang NƠXH.
Để thực hiện được thì cần đáp ứng hàng loạt yêu cầu như: Phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã duyệt, không gây thất thoát tài sản công; sau chuyển đổi phải sử dụng đúng mục đích, phù hợp với tiêu chuẩn, kỹ thuật; phải được Bộ Xây dựng hoặc UBND cấp tỉnh chấp thuận…
“Đây chỉ là những quy định chung, mang tính nguyên tắc. Để triển khai được trong thực tế, cần có những hướng dẫn chi tiết hơn. Mất nhiều thời gian nhất là khâu hoàn thiện thủ tục pháp lý”, luật sư Chánh nhận định.
Nhà giá rẻ khan hiếm, lý do khó bán đấu giá căn hộ tái định cưNgười thu nhập thấp tại TPHCM khó tiếp cận nhà ở vì khan hiếm nguồn cung và giá bán cao, trong khi vẫn còn 9.000 căn hộ tái định cư đang bỏ trống. Tuy vậy, những căn hộ không người ở này lại khó chuyển sang nhà ở xã hội.