- Dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên hơn 10 năm vẫn chưa giải quyết xong tái định cư cho người dân.

Tới nay, dự án cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã bước sang năm thứ 13 nhưng câu chuyện bồi thường, tái định cư vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong dân và khiếu nại kéo dài. Ngày 28-10, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và Thường trực HĐND TP đã giám sát vấn đề này tại quận Bình Tân.

{keywords}
Hơn 150 hộ dân chê chung cư tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh xa, đường sá lầy lội nên không chịu nhận nhà. Ảnh: V.HOA

275 hộ dân chưa đồng thuận

Theo UBND quận Bình Tân, dự án cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài 33 km, đi qua tám quận của TP. Riêng quận Bình Tân, dự án đi qua tám phường (16 km), ảnh hưởng tới 2.267 hộ dân.

Năm 2002, UBND TP có quyết định giao đất cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (Sở NN&PTNT) triển khai dự án. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng bắt đầu thực hiện từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn còn 275 hộ chưa bàn giao mặt bằng và khiếu nại gay gắt (chủ yếu tập trung tại phường Bình Hưng Hòa với 244 hộ). “Dự án này áp dụng chính sách bồi thường theo Nghị định 22/1998 nên giá bồi thường thấp, các hộ dân chưa đồng tình” - đại diện UBND quận Bình Tân giải thích.

Một nguyên nhân khác là có giai đoạn kinh phí bồi thường gặp nhiều khó khăn. Quỹ đất tái định cư không đủ, quận Bình Tân không còn dự án đất nền để bố trí. Hơn 150 hộ dân được bố trí tái định cư tại Bình Chánh không đồng ý nhận căn hộ, nền đất vì xa, cơ sở vật chất không tốt.

“Các hộ dân được bố trí vào chung cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Đây là chung cư năm tầng, không có thang máy, nóc tầng năm lợp bằng mái tôn rất nóng nên người dân không đồng ý. Không những thế, đường vào chung cư hiện rất lầy lội nên chúng tôi khó lòng thuyết phục người dân nhận nhà” - bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, thông tin thêm.

Sẽ lập tổ công tác để giải quyết

Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP, cho rằng hiện toàn dự án chỉ còn vướng 275 hộ (chiếm khoảng 12%) nhưng vẫn loay hoay mãi chưa giải quyết xong là quá chậm. Quận Bình Tân cần phân loại từng nhóm trường hợp để có biện pháp giải quyết hợp lý, hợp tình. “Nếu chỉ đưa một chính sách chung để giải quyết cho tất cả trường hợp này sẽ rất khó. UBND quận Bình Tân và các sở, ngành cần phân loại, nhận dạng từng nhóm trường hợp để có biện pháp giải quyết phù hợp” - ông Đông đề nghị.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cũng đánh giá khâu giải phóng mặt bằng đã kéo dài quá lâu, không thể chờ thêm nữa. Sau chương trình giám sát, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị TP thành lập tổ công tác để hằng tháng cùng địa phương xử lý những vướng mắc còn tồn tại. “Ngay trong tuần sau, tôi sẽ xuống chung cư Vĩnh Lộc B để kiểm tra chất lượng chung cư, đường sá và đề xuất hướng xử lý với TP” - ông Tuấn nói.

Với 244 trường hợp ở phường Bình Hưng Hòa, ông Tuấn cho rằng với cơ chế bồi thường áp dụng với dự án này thì quả thật người dân không đủ tiền mua nhà. Sở Xây dựng sẽ kiến nghị TP cho áp dụng cơ chế bán nhà ở xã hội để bố trí tái định cư.

Cuối năm 2015 phải bàn giao mặt bằng

Theo cam kết của TP với Ngân hàng Thế giới (WB) thì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án phải hoàn tất cuối tháng 6-2015. Đến nay đã trễ hạn nên TP gia hạn đến ngày 31-12 các địa phương phải bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để tháng 4-2016 sẽ ký hiệp ước đầu tư dự án với WB.

Toàn dự án có hơn 3.200 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng kinh phí bồi thường gần 1.600 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư dự án gần 10.000 tỉ đồng.

Theo Việt Hoa (Pháp luật TP HCM)