Các binh sĩ Ukraine cuối cùng còn bám trụ lại Mariupol đã 2 lần phớt lờ các tối hậu thư của Nga đòi họ phải đầu hàng hôm 17/4 và 20/4. Những quân nhân này đang tử thủ bên trong tổ hợp nhà máy thép Azovstal, phía bắc thành phố, trong bối cảnh các lực lượng Nga đã thâu tóm phần lớn Mariupol sau nhiều tuần giao tranh ác liệt.

"Trước hoặc sau buổi trưa, Azovstal sẽ hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga", Ramzan Kadyrov, lãnh đạo nước cộng hòa Chechnya thuộc Nga đang có quân tham chiến ở Ukraine, tuyên bố hôm 21/4.

Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Ukraine chưa lên tiếng bình luận về phát biểu trên. Trước đó, nhà đàm phán Mykhailo Podolyak của Ukraine viết trên Twitter rằng, Kiev sẵn sàng tham gia "một vòng thương lượng đặc biệt", không điều kiện với Moscow nhằm "cứu sống binh lính, tiểu đoàn Azov, dân thường, trẻ em, những người còn sống sót và bị thương" ở Mariupol. 

Giới chức Ukraine đã đề xuất đổi các tù binh Nga lấy lối thoát an toàn cho các dân thường và binh lính nước này còn bị mắc kẹt tại thành phố cảng chiến lược đông nam đất nước. Hiện chưa rõ Moscow đã phản hồi đề xuất này hay chưa.

Serhiy Volny, một chỉ huy thủy quân lục chiến Ukraine nói, các tay súng ở Azovstal nhiều khả năng không thể cầm cự được lâu hơn nữa. Trong khi, theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ước tính có tới 120.000 dân thường đang bị mắc kẹt tại Mariupol và 1.000 người trong số họ hiện trú ẩn dưới tầng hầm của nhà máy Azovstal.

Các diễn biến cho thấy, Mariupol dự kiến sẽ trở thành đô thị lớn nhất của Ukraine rơi vào tay Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch tấn công quân sự vào nước láng giềng cách đây gần 8 tuần.

Mỹ áp các biện pháp trừng phạt mới với Nga

Chính phủ Mỹ ngày 20/4 đã công bố đợt trừng phạt mới nhất chống Moscow, nhằm vào một ngân hàng thương mại chủ chốt ở xứ sở bạch dương và "một mạng lưới toàn cầu gồm hơn 40 cá nhân và tổ chức do nhà tài phiệt người Nga Konstantin Malofeyev đứng đầu".

Bộ Tài chính Mỹ ra thông cáo cho hay, cơ quan này cũng nhắm trừng phạt "các công ty hoạt động trong ngành khai thác tiền ảo của Nga, vốn được đánh giá là lớn thứ 3 trên thế giới". Nhà chức trách Mỹ lưu ý, đây là lần đầu tiên họ đưa một công ty khai thác tiền ảo vào "danh sách đen".

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ triển khai một loạt các hạn chế về thị thực đối với Nga và Belarus, nước đồng minh của Moscow.

Theo CNN, đây là những động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm trừng phạt Điện Kremlin và giới tinh hoa Nga vì cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, chúng khó có khả năng ngay lập tức chấm dứt chiến dịch tấn công quân sự của Moscow ở nước láng giềng.

Washington bổ sung viện trợ quân sự cho Ukraine

AP dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ, Tổng thống Biden trong ngày 21/4 sẽ công bố các kế hoạch gửi thêm viện trợ quân sự nhằm giúp Ukraine đẩy lui quân Nga. Kế hoạch của lãnh đạo Nhà Trắng được xây dựng dựa trên những khoản viện trợ trị giá gần 2,6 tỷ USD cho Kiev, đã được Washington phê chuẩn.

Gói viện trợ mới dự kiến sẽ tương đương quy mô của gói 800 triệu USD được ông Biden công bố hồi tuần trước, bao gồm cả các hệ thống pháo hạng nặng và đạn dược cần thiết cho các lực lượng Ukraine trong cuộc đối đầu cam go với quân Nga ở khu vực Donbass, miền đông đất nước.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Anadolu

Tổng thư ký LHQ đề nghị gặp các lãnh đạo Nga, Ukraine

Theo báo Guardian, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đề nghị gặp riêng Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky, để thảo luận về những bước cấp thiết nhằm mang lại hòa bình cho quốc gia Đông Âu, cũng như tương lai của chủ nghĩa đa phương dựa vào Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric hôm 20/4 cho hay, hai bức thư riêng rẽ đã được chuyển tới các phái đoàn thường trực của Nga và Ukraine một ngày trước đó, để yêu cầu ông Putin gặp ông Guterres tại Moscow và ông Zelensky hội đàm với Tổng thư ký LHQ tại Kiev.

Moscow và Kiev chưa có phản hồi trước thông tin trên.

Tuấn Anh