Mời quý độc giả theo dõi video:

Giao Thủy là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Nam Định, có diện tích tự nhiên 232,1 km2. Dân số toàn huyện gần 200 nghìn người.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, các xã, thị trấn của huyện Giao Thủy đều khai thác được những lợi thế riêng để phát triển kinh tế - xã hội, đưa Giao Thủy đứng trong các huyện top đầu của tỉnh về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; diện mạo nông thôn thay đổi theo hướng hiện đại, môi trường ngày càng “sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn”. Kết quả này khẳng định quyết tâm của huyện xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM thông minh là hành trình “không nghỉ” với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Trong giai đoạn 2021-2022, huyện đã huy động tổng nguồn vốn trên 990 tỷ đồng, trong đó đầu tư trực tiếp hơn 605 tỷ đồng cho Chương trình xây dựng NTM như: hoàn thiện các tiêu chí về trường học, giao thông, thủy lợi, trạm y tế và đầu tư phát triển sản xuất, nước sạch, vệ sinh môi trường. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiến gần 324 nghìn m2 đất, góp 131.616 công lao động…để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Hiện nay, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của Giao Thủy cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Mặc dù bị ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp giảm...nhưng do đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ kết hợp tổ chức lại sản xuất theo hướng hiệu quả nên tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 của huyện vẫn đạt 3,65%.

Từ khi đại dịch COVID-19 được khống chế, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng ở cơ sở được phục hồi và phát triển mạnh. Môi trường sống ở Giao Thủy ngày càng được cải thiện theo hướng “xanh - sạch”.

Các địa phương trong huyện đã tập trung hướng dẫn, vận động người dân thực hiện 3 mô hình: “Phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình”, “Hố rác di động”, “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”; phát động và tổ chức thực hiện tốt phong trào trồng cây bóng mát và trồng hoa lề đường trục xã, liên xã, trục xóm, liên xóm.

Đến nay, toàn huyện đã trồng được trên 227km đường cây xanh và gần 200km đường hoa tạo cảnh quan “xanh - sạch - đẹp”… Với sự cố gắng, nỗ lực vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn, đến nay, huyện có 17/22 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020; 3 xã được công nhận NTM kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; 59 xóm, tổ dân phố đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện Giao Thủy đang phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 và huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.

Giao Thịnh là xã thuần nông tại huyện Giao Thuỷ. Trong những năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, nhất trí của mọi tầng lớp nhân dân, Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay xã đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Nhiều công trình, cơ sở hạ tầng được xây dựng, đời sống người dân có nhiều đổi thay. Năm 2022, xã Giao Thịnh đạt thu nhập bình quân 75,22 triệu/người/năm; năm 2023 phấn đấu đạt trên 85 triêu/người/năm.

Trên khắp các miền quê Nam Định, phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đang từng ngày diễn ra sôi nổi, lan tỏa rộng khắp vào từng ngõ xóm, khu dân cư. Hành trình không có điểm dừng để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở khu vực nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa luôn là nhiệm vụ trọng tâm, được quan tâm chỉ đạo với mọi cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Thùy Chi - Đức Yên