Năm 2018, từ số tiền tích cóp và hỗ trợ của hai bên nội ngoại, vợ chồng tôi mua một căn chung cư ở Hà Đông diện tích 64m2 giá 1,3 tỷ đồng, tức khoảng hơn 20 triệu đồng/m2. 

Ở được 2 năm, khi ấy, tổng thu nhập cả hai vợ chồng mới được 20 triệu đồng/tháng, con cái lớn dần khiến chi phí học hành tăng lên. Vừa lúc đang tính bài toán kinh tế thì có người anh họ rủ kinh doanh online nên chúng tôi nghỉ việc để buôn bán. 

Để có vốn làm ăn, chúng tôi quyết định bán căn hộ, đi ở nhà thuê gần kho hàng để tiện buôn bán luôn. 

Khi bán căn chung cư, giá chỉ chênh không đáng kể so với lúc mua, được hơn 1,4 tỷ đồng.

Dịch Covid-19 tuy ảnh hưởng tới nhiều người kinh doanh truyền thống nhưng lại là lợi thế của bán hàng online. Vì thế, việc buôn bán cũng không gặp quá nhiều khó khăn.

Đến năm 2023, sau 3 năm buôn bán online, chúng tôi tiết kiệm được 1,1 tỷ đồng. Lúc này, tình hình kinh doanh không còn thuận lợi, thị trường bão hòa, cạnh tranh cao, sức mua giảm sút.

Nếu dùng số tiền hơn 1 tỷ này để mở rộng kinh doanh sẽ rất rủi ro. Thay vào đó, chúng tôi tính dùng để mua nhà sẽ hợp lý hơn, thiếu đâu sẽ vay thêm.

Tham khảo các tin rao bán chung cư vợ chồng tôi giật mình vì thấy giá cả chỗ nào cũng cao chót vót. Căn hộ có diện tích tương đương căn vợ chồng tôi bán trước đây, cùng khu vực được rao giá 2,2 tỷ đồng. 

W-chung-cu-vietnamnet-1.jpg
Căn hộ mới giá dưới 50 triệu đồng/m2 gần như "biến mất" tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Khanh

Không biết có phải do môi giới dùng chiêu trò không mà chúng tôi cứ hỏi căn nào thì chỉ tối hoặc 1-2 hôm sau là môi giới đã bảo “có người cọc”, “chủ bán mất rồi”. Kèm theo lời nhắn chung cư tầm giá này không chốt nhanh là không thể mua được.

Thấy chỗ nào cũng nói chung cư đang sốt, vợ chồng tôi lại bảo nhau không vội, chờ giá giảm, tiền đó cứ tạm gửi tiết kiệm. Buôn bán 1 năm nữa có thêm tiền, vừa giảm khoản vay mượn, vừa đợi qua cơn sốt giá.

Nhưng không, năm nay căn hộ đã được rao lên 2,8 tỷ. Thậm chí cùng căn đó có những môi giới phát giá 3 tỷ đồng. Nhiều căn chung cư chỉ trong vòng 1 năm, giá đã tăng 400–700 triệu đồng, trong khi khoản tiết kiệm của vợ chồng tôi mới chỉ tăng thêm được chưa đến 300 triệu đồng. 

Tốc độ thu nhập không theo nổi tốc độ tăng giá chung cư. Nghĩ lại thấy xót xa vì mấy năm lăn lộn buôn bán mà giờ không mua nổi chính căn hộ mình từng bán. 

Vợ chồng tôi thử làm phép tính: Trung bình mỗi tháng tổng thu nhập của cả hai người là hơn 50 triệu đồng, trừ đi chi phí sinh hoạt còn khoảng 30 triệu đồng/tháng. Đây là con số không phải quá thấp mà còn chật vật để mua nhà thì những gia đình với tổng thu nhập dưới 30 triệu/tháng sẽ rất khó khăn để có nhà Hà Nội.

Hiện vợ chồng tôi đã tạm hoãn việc mua nhà, chờ đợi giá giảm không thể liều mua khi giá chung cư vẫn còn neo cao. 

Văn Thịnh (Hà Nội)

Có 3 tỷ đồng vẫn khó mua căn hộ chung cư mới ở Hà Nội

Đánh giá về nguồn cung phân khúc chung cư Hà Nội thời gian qua, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cao cấp CBRE Việt Nam cho biết, tỷ trọng lớn tập trung ở phân khúc trung - cao cấp.

“Tỷ trọng sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp phản ánh mặt bằng giá mới đang tăng, đặc biệt ở khoảng giá cao cấp. Khoảng 70% số căn hộ mở bán trong nửa đầu năm 2024 tập trung ở phân khúc cao cấp và rơi vào đoạn giá 60-120 triệu đồng/m2”, bà Hoài An nói.

Trong báo cáo thị trường mới đây, hãng tư vấn dịch vụ bất động sản Savills cho hay, Hà Nội không có nguồn cung căn hộ mới giá dưới 45 triệu đồng/m2 vào quý II.

Có thể thấy, căn hộ mới giá dưới 50 triệu đồng/m2 gần như "biến mất" tại Hà Nội. Như vậy, với tài chính khoảng 3 tỷ đồng cũng khó mua được một căn hộ chung cư mới ở Thủ đô.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội cho hay, trước đây, căn hộ tầm giá 60-80 triệu đồng/m2 thường tập trung ở khu vực quận Cầu Giấy, Đống Đa. Các khu trung tâm như Ba Đình, Tây Hồ mức giá dao động từ 80 triệu đồng/2 đến hơn 100 triệu đồng/m2... Tuy nhiên khung giá này giờ xuất hiện ở những khu vực xa hơn, gần Đại lộ Thăng Long. Điều này đặt ra thách thức lớn với người dân muốn tìm mua căn hộ tầm trung, chưa nói đến căn hộ bình dân.