Câu tục ngữ “Nhất tự vi sư bán tự vi sư“ mà cha ông ta đúc kết từ xa xưa đã nói lên truyền thống tôn sư trọng đạo, tôn trọng những người thầy, người cô đã có công góp phần dạy dỗ con người ta nên người. Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Quả là thâm thúy và sâu sắc.
Xã hội hiện tại có khá nhiều ngày kỷ niệm cái này, ngày biểu dương cái kia. Tôi vốn không để tâm nhiều về những ngày kiểu như vậy bởi lẽ nó nhàn nhạt, hình thức sao vậy. Nhưng có một ngày mà tôi luôn trân trọng. Đó là ngày Nhà giáo Việt Nam. Là ngày toàn xã hội nói chung, từng con người nói riêng bằng cách nào đó của mình bày tỏ lòng biết ơn, sự trân trọng đối với các thầy, cô giáo. Tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn mãi là đạo lý ở đời.
Sống đúng giá trị con người
Nói đến nhà giáo - người thầy, trong phạm vi gia đình, tôi không thể không nhắc đến bố mẹ vợ tôi, bởi cả 2 người đều đã là giáo viên trường Ngô Sỹ Liên, thành phố Bắc Giang. Thỉnh thoảng có dịp chứng kiến học trò đến thăm thầy, cô, nhìn vào mắt của họ, tôi càng thấm thía tình thầy trò sâu nặng và căn nguyên về cách sống ở đời của bố mẹ vợ tôi.
Bố vợ tôi - nguyên Phó trưởng Ty Giáo dục Bắc Giang Trần Lê Tấn - không mấy khi kể, nhưng sâu trong tâm khảm ông là 2 người thầy đáng kính trọng và biết ơn. Người thầy thứ nhất chính là người thân sinh ra ông, cụ Trần Lê Nhân, đồng tác giả cuốn Cổ học tinh hoa và cũng là một nhà giáo được nhiều trò nhớ mãi. Những giá trị được truyền tải từ chính cụ Trần Lê Nhân về sự học không ngừng, học ở thầy, học ngoài xã hội đã được bố vợ tôi ghi tạc và truyền tải tiếp cho các thế hệ con cháu chắt trong gia đình.
Người thầy thứ 2 của ông là GS.TS luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Sự uyên bác, trí tuệ cùng các giá trị về đạo đức, phẩm giá, lẽ sống từ người thầy thứ 2 này đã theo bố vợ tôi suốt cuộc đời mà đôi khi theo cách nhìn của lớp con cháu thì có vẻ có lúc như hơi cổ hủ, không hợp thời. Sự thật thà của ông khiến con cháu trong nhà đôi lúc ngỡ ngàng, nhưng có mấy ai trong đám hậu sinh chúng tôi biết rằng trung thực, không dối trá lại chính là một trong các triết lý sống mà ông tiếp thu từ các bậc tiền bối thầy giáo này.
Và rồi câu chuyện của bố vợ tôi về 2 người thầy lại lặp lại nơi tôi. Người thầy thứ nhất để lại nhiều dấu ấn cuộc đời chính là bố vợ tôi. Ông dạy tôi bằng lời nói, bằng hành động khá nhiều thứ mà chắc tôi chỉ thực hiện được vài thứ. Đó là những bài học về cuộc sống, về lòng trung thực, về sự khiêm tốn…
Điều làm tôi nhớ mãi và biết ơn là lời dạy của ông về cái làm nên giá trị con người. Đó là lúc tôi trượt một chức quan. Thực ra bản thân tôi không suy nghĩ mấy về vấn đề này vì tôi đã có lần trượt như vậy. Bố vợ tôi đại thể hồi đó nói rằng con có cái chức đó cũng giống như thêm một cái áo mới. Dù không có cái áo đó, con vẫn là con và mọi người vẫn nhận ra con. Thật là một triết lý sống đơn giản nhưng chuẩn xác vô cùng.
Chiếc xe đạp đầu đời
Người thầy thứ 2 của tôi là thầy Lê Gia Bảo - thầy dạy môn toán các năm học cấp 3 tại trường cấp 3 Chương Mỹ, Hà Tây. Chính nhờ có thầy mà tôi đam mê học toán. Thầy cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp nên khá am hiểu hoàn cảnh các trò.
Hồi đó, tôi thuộc diện học sinh sơ tán từ Hà Nội về Chương Mỹ. Tôi và chị ruột hồi mới vào lớp 8 cứ là đi bộ cỡ 7-8km từ nhà đến trường, trong khi đa phần các bạn đều có xe đạp. Rồi 2 chị em tôi khi quen biết các bạn học cùng lớp chơi bài đi nhờ xe đạp. Rất đỡ.
Một hôm đến lớp, thầy Bảo tuyên bố chị tôi và tôi được thưởng một chiếc xe đạp mini Liên Xô từ nhà trường. Quả là một sự đổi đời. Tôi không biết đằng sau câu chuyện xe đạp này thì nhà trường thảo luận ra sao, ai đáng được nhận, nhưng cho dù như thế nào thì tôi và gia đình biết ơn sự giúp đỡ vô cùng to lớn và thiết thực này của thầy. Nhớ thầy, thỉnh thoảng tôi lại giở học bạ cấp 3 ra để làm mỗi một việc là đọc lại những lời nhận xét cuối năm của thầy dành cho tôi.
Đến đây, có khi có người lại còm rằng ông ơi đấy là ngày xưa, rằng thời buổi kinh tế thị trường nên khác rồi. Rồi thì rất nhiều ví dụ được dẫn ra, kiểu như học sinh thời nay đánh lộn, chửi thầy, thầy đánh trò, bố mẹ học sinh bênh con hỗn hào với thầy… Không thể phủ nhận những hiện tượng kiểu đó. Cũng không thể nói ngành giáo dục vô can trong câu chuyện này và càng không thể nói cả xã hội, từng gia đình chẳng liên quan gì cả.
Trong mắt tôi, ngành giáo dục như đang qua cơn đại phẫu trị bệnh, cắt chỗ này, bỏ chỗ kia và trong quá trình này cái chuẩn muốn tìm ra hoặc tìm lại đương nhiên không dễ. Nhưng có một điều không thể mất đi là những giá trị trường tồn mà biết bao các thầy, các cô âm thầm hoặc quyết liệt bảo vệ để truyền tải cho đời nhằm góp phần tạo ra những con người theo đúng nghĩa người. Và đấy mới là sự vinh quang đáng trân trọng, là cái đáng tri ân của xã hội đối với các thầy, các cô trong xã hội ta.
(Tiêu đề do VietNamNet đặt)