Sáng 22/8, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài khai mạc tại Hà Nội.
Tham dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo bộ ngành, địa phương và 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Hội nghị người Việt Nam qua 3 lần tổ chức đã tạo diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và các nội dung liên quan tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thực sự trở thành “Hội nghị Diên Hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài.
Những ý kiến quý báu, nhiều kiến nghị chính sách của kiều bào đã được các cơ quan trong nước tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển hóa thành chính sách, quy định pháp luật. Bộ trưởng cho biết, hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực căn cước, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Từ khoảng 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016, đến nay đã có hơn 6 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, số người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600.000 người. Ở hầu hết địa bàn có người Việt sinh sống đều đã thành lập tổ chức hội đoàn.
Các hội doanh nhân, hội chuyên gia, trí thức người Việt thường xuyên có hoạt động kết nối với trong nước, tạo thành một mạng lưới rộng khắp, liên kết người Việt cả ở trong và ngoài nước.
Một số người gốc Việt đã tham gia sâu vào hệ thống chính trị sở tại ở các cấp; nhiều doanh nhân người Việt nằm trong danh sách các tỷ phú của thế giới. Nhiều chuyên gia, trí thức, văn nghệ sỹ kiều bào được vinh danh tại giải thưởng quốc tế. Trong hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ. Tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD...
Đó là những con số có thể định lượng, bên cạnh đó còn rất nhiều đóng góp về chất xám, trí tuệ không thể cân đong đo đếm.
Đề xuất cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được ứng cử, bầu cử vào Quốc hội
Ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu cho rằng cần có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai.
Nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi chính sách quốc tịch đối với người nhập cư, do đó nhiều bà con người Việt đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để vào quốc tịch nước ngoài, nay có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài.
"Nguyện vọng chính đáng này của bà con nhằm mục đích giữ mối liên hệ chặt chẽ về mặt pháp lý với Nhà nước Việt Nam và truyền cho các thế hệ sau. Măc dù đã có quy định, tuy nhiên triển khai trên thực tế rất khó khăn, nhiều quy định và giấy tờ không thể thực hiện được dẫn đến rất ít người được trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài trong khi số người có nguyện vọng rất nhiều", ông Thắng nêu.
Ông Thắng cũng cho rằng cần cân nhắc điều chỉnh, bổ sung quy định cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được quyền tham gia ứng cử, bầu cử vào Quốc hội. Ngoài ra, mở rộng việc cho phép các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trở thành thành viên các tổ chức chính trị - xã hội trong nước...
Còn ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương chia sẻ, ngay từ những năm tháng đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, ông đã trở về quê hương với sứ mệnh là mở đường bay TPHCM - Manila, góp phần vào việc phá vỡ thế bao vây cấm vận. Sau đó, ông đã gom góp tài sản cũng như kêu gọi bạn bè trở về đầu tư tại quê hương.
Trải qua nhiều năm đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận thấy hiện nay đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam.
Về thu hút nhân tài, ông cho rằng Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp, tham gia dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới.
"Một điều rất đáng mừng là thời gian gần đây, tôi nhận thấy có rất nhiều bạn trẻ từ nước ngoài trở về Việt Nam lập nghiệp, trong đó có cả các bạn sinh ra ở nước ngoài. Điều này chứng tỏ có một sự dịch chuyển không nhỏ của tri thức từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt là ở các nước có nền công nghệ và kinh tế phát triển. Ở TPHCM hiện có gần 100 công ty start up và nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của các bạn kiều bào trẻ...", ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.
Ông đề nghị Chính phủ nên áp dụng cơ chế sandbox - cho phép thử nghiệm công nghệ mới, những mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép. Có những doanh nhân công nghệ trẻ gốc Việt đã từng tiên phong sáng tạo ra những công nghệ mới chưa từng có trên thế giới nhưng khi họ đem về Việt Nam thì còn bị hạn chế bởi chính sách của Việt Nam chưa tương thông với quốc tế.
Ông cũng đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để các bạn trẻ kiều bào được thuận lợi trong việc xin quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước… để có thể ổn định cuộc sống lâu dài ở Việt Nam.
Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệ thúc đẩy chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn cần quy hoạch các "cụm công nghệ" với hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, đặt tại thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm, nơi doanh nghiệp và các startup công nghệ có thể tương tác, chia sẻ tri thức, hợp tác nghiên cứu.
"Chúng ta nên có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các vườn ươm công nghệ, đầu tư mạo hiểm vì đó là những thành tố chính trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giúp cho những người sáng tạo thuận lợi trong việc tạo ra công nghệ mới và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ đó", ông đề xuất.