Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng GDP cao, 9 tháng đạt 8,83%, ước tính cả năm đạt 8%.

Những thông tin này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra với cộng đồng quốc tế tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN tại Phnom Penh, Campuchia. Ông cam kết: Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40

Cam kết đó của Thủ tướng cũng chính là sức ép lên hệ thống nhằm đạt được những bước phát triển nhanh và bền vững hơn để thu hẹp và bắt kịp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong Asean, và vươn lên.

Khát khao này rõ ràng được thể hiện ở các doanh nhân, các thế hệ người trẻ, và ở ngay Quốc hội đang diễn ra.

Năm 2023, mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5%. Mục tiêu này dường như là khá cao khi một số ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, xung đột địa chính trị đang gia tăng trên thế giới.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói: "Mức tăng GDP năm 2023 khoảng 6,5% thể hiện quyết tâm của Chính phủ tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nên xin Quốc hội được giữ như dự thảo Nghị quyết".

GDP không còn là chỉ tiêu pháp lệnh, nhưng khi đặt mục tiêu tăng trưởng cao, Quốc hội đặt nhiệm vụ cao cho Chính phủ với hàm ý rằng, phát triển nhanh hơn mới đáp ứng yêu cầu của người dân.

Tất nhiên, tăng trưởng cao phải đạt được trong nền tảng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo thanh khoản, tạo lập lòng tin thị trường,… để doanh nghiệp và người dân an tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Lan Anh