Các chuyên gia nhận định Israel sẽ gặp ít khó khăn khi tấn công các mục tiêu nằm trong lãnh thổ Iran. Theo họ, Iran sở hữu lực lượng không quân không được cập nhật và hệ thống phòng không trong nước chủ yếu dựa trên các mẫu cũ của Nga.
Vụ tấn công hôm 13/4 bằng loạt máy bay không người lái (UAV) và tên lửa của Iran đã chứng minh sức mạnh của kho vũ khí trên không và hệ thống phòng thủ đáng gờm của Israel. Theo Israel, hàng trăm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, và UAV của Iran chỉ gây ra thiệt hại nhỏ cho nước này.
Ông Zvika Haimovich, cựu tướng không quân Israel, cho biết Iran là "siêu cường về tên lửa đạn đạo chiến thuật và UAV".
Tuy nhiên, hệ thống phòng không Iran lại được xây dựng chủ yếu dựa trên các hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300 của Nga, hoặc các hệ thống nội địa như Bavar-373, Khordad, Raad, Sayyad và Talash, cùng các máy bay cũ của Mỹ và Nga mà một số loại có từ những năm 1970.
Đáng nói, Iran đã triển khai các hệ thống tương tự ở Syria từ năm 2015, và giúp cho phi công Israel có được nhiều năm tích lũy kinh nghiệm trong việc đối phó.
Còn theo ông Sidharth Kausha, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược Thống nhất Hoàng gia ở London, thách thức chính đối với Israel có thể không phải là né tránh tên lửa đất đối không của Iran, mà là tấn công thành công các căn cứ quân sự ở phía tây và phía nam Iran vốn đòi hỏi sử dụng bom xuyên phá.
Ông Kausha cho biết dàn tiêm kích của Israel như F-35 có thể trốn tránh mạng lưới phòng không Iran, nhưng thường mang theo vũ khí nhỏ hơn. Để chống lại các mục tiêu nằm sâu dưới lòng đất, Israel có thể cần đến những loại đạn lớn hơn và phải sử dụng các tiêm kích như F-16. Tuy nhiên, máy bay này lại dễ bị radar phát hiện. Để đảm bảo an toàn, các phi công có thể phải phóng vũ khí từ xa.
“Những máy bay này có thể xuyên thủng mạng lưới phòng không của Iran, nhưng lại làm tăng nguy cơ tổn thất cho phía Israel. Trên lý thuyết, năng lực đánh chặn của Iran đối với một số loại đạn dược của Israel cũng gia tăng”, ông Kausha nói.
Theo các nhà phân tích, nếu căng thẳng gia tăng, Iran có thể sử dụng kho vũ khí có hơn 3.500 tên lửa, và hàng nghìn UAV để tấn công Israel một lần nữa.
Trong khi đó, hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel được xây dựng quanh các hệ thống Arrow tầm cao đã thành công ngăn chặn đợt tấn công của Iran vào cuối tuần qua. Ngoài ra, hệ thống David's Sling tầm trung, và Iron Dome (Vòm sắt) tầm ngắn của Israel cũng đã chống lại hàng nghìn tên lửa bắn từ Dải Gaza và Lebanon.
Tuy nhiên, chi phí cho hoạt động đánh chặn tên lửa với Israel không hề nhỏ. Mặc dù giới chức Israel không đưa ra thông tin chi tiết, nhưng theo tính toán của một số nhà phân tích, vụ tấn công đã khiến Iran tiêu tốn 80 - 100 triệu USD. Song phía Israel và các đồng minh đã phải chi khoảng 1 tỷ USD để đẩy lui.
>> Đọc tin quân sự thế giới trên báo VietNamNet